Iraq: Cuộc bầu cử đầu tiên sau khi đánh bại IS - kỳ vọng và thực tế

Vũ Anh Tuấn |

Theo Ủy ban bầu cử Iraq, chưa đến một nửa số trong số hơn 24 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu và đây là con số thấp kỉ lục.

Được dư luận quốc tế quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng, thế nhưng, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên tại Iraq sau khi nước này đánh bại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, diễn ra hôm 12/5, đã không thu hút được nhiều sự quan tâm của cử tri nước này.

Thông báo của Ủy ban bầu cử Iraq cho biết tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này là 44,52%. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2005, bất chấp việc cuộc bầu cử này có ý nghĩa lớn khi được cho là sẽ định hình nỗ lực hàn gắn những rạn nứt sâu sắc ở Iraq và có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực

Tại Erbil, thuộc khu vực bán tự trị người Kurd, một số điểm bỏ phiếu đã xảy ra trục trặc liên quan đến hệ thống bỏ phiếu điện tử, dù tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là tương đối tốt, khoảng 40-50%.

Một quan chức tại trạm bỏ phiếu tại Erbil cho biết: “Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu khá tốt, khoảng từ 40-50%. Bởi vì đây là lần đầu tiên bỏ phiếu điện tử nên chúng tôi gặp một số vấn đề về thông tin thẻ cử tri. Ngoài ra, các cử tri cũng không thể đi bỏ phiếu thay cho những người khác trong gia đình”.

Trong khi đó, nhà chức trách ở Kirkuk đã ban bố lệnh giới nghiêm, đồng thời yêu cầu kiểm phiếu bằng tay do việc kiểm phiếu điện tử cho kết quả không logic.

An ninh cũng đã được thắt chặt thời gian qua ở Iraq do lo ngại nguy cơ tấn công khủng bố. Trong thời gian bầu cử, đã có 1 cảnh sát thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong 1 vụ tấn công bằng súng. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình không xảy ra sự cố lớn.

Bất chấp tỷ lệ đi bỏ phiếu trung bình thấp, nhiều cử tri vẫn hi vọng có sự thay đổi trong bối cảnh Iraq đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Đã có hơn 7.000 ứng cử viên tham gia tranh cử 329 ghế tại Quốc hội khóa mới - cơ quan sẽ bầu ra Tổng thống, Thủ tướng và Chính phủ mới tại Iraq.

Ông Rafeh Ismael, một cử tri cho biết: “Trong cuộc bỏ phiếu này, chúng tôi muốn thay đổi, chúng tôi muốn xã hội tiến bộ, chúng tôi cần việc làm cho người thất nghiệp. Chúng tôi cần thay đổi gương mặt của các nhà lập pháp được bầu...''

Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên tại Iraq kể từ khi quốc gia Trung Đông này tuyên bố chiến thắng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, các thành viên mới của quốc hội Iraq sẽ đảm nhận một nhiệm vụ quan trọng, đó là thành lập một Chính phủ bao gồm tất cả các phái và đáp ứng các nhu cầu của toàn thể người dân Iraq. 

Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ bày tỏ hy vọng tiến trình này sẽ diễn ra nhanh chóng và hợp hiến để Iraq có thể tiếp tục tiến tới một tương lai tươi sáng, thịnh vượng và an ninh hơn.

Hiện công tác kiểm phiếu vẫn đang được tiến hành và kết quả kiểm phiếu dự kiến được công bố trong vòng 48 giờ tới. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán để chọn ra một Thủ tướng có nhiệm vụ thành lập Chính phủ được dự đoán có thể sẽ kéo dài nhiều tháng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại