Theo Independent, ít nhất 13 bé sơ sinh đã tử vong trong cơn hỏa hoạn ở bệnh viện Yarrmouk. Đây là thảm kịch mới nhất xảy ra ở thủ đô Baghdad sau các đợt đánh bom tự sát và tấn công khủng bố thời gian qua.
Dư luận đã có phản ứng hết sức giận dữ trước con hỏa hoạn và đổ lỗi cho chính phủ sau những lời đồn đại về công tác bảo trì kém, sự cố điện, bình cứu hỏa bị hỏng và phản ứng chậm trễ của lực lượng cứu hỏa.
Mariam Thijeel, mẹ một bé trai sơ sinh tử vong do hỏa hoạn cho biết tối 9/8, khi nghe thấy tiếng kêu thét ở khu chăm sóc trẻ em, cô đã vội vã chạy đến.
“Điện bị cắt, cửa bị khóa, và không có ai ở khu trẻ sơ sinh. Chúng tôi không thể cứu được bất cứ em bé nào,” cô chia sẻ với tời New York Times về sự hỗn loạn tại hiện trường, khi các bậc cha mẹ tuyệt vọng tìm người giữ chìa khóa để mở cửa cứu con họ.
“Chúng tôi đã tìm sự giúp đỡ từ một nhân viên, nhưng cô ta nói rằng “Tôi không thể giúp được mọi người điều gì vì đây là hỏa hoạn.”
Các nhân chứng cho biết không có nhân viên nào trong phòng trẻ sơ sinh khi ngọn lửa bùng lên và đội cứu hỏa đã phải mất tới hơn một tiếng đồng hồ mới tới được bệnh viện.
Những bức ảnh chụp hiện trường sau đó cho thấy những lồng nuôi trẻ sơ sinh bị cháy đen, và phần nắp nhựa tan chảy do sức nóng của ngọn lửa.
Bộ Y tế Iraq cho biết 29 bệnh nhân nữ và 8 em bé đã được giải thoát và đang được điều trị các vết bỏng và ngạt khói tại một bệnh viện khác.
Người phát ngôn của bệnh viện Yarrmouk cho biết nhân viên bệnh viện đã cố hết sức để dập lửa và đã cứu được một số trẻ sơ sinh.
Chính phủ đã thành lập một ủy ban để xác định nguyên nhân hỏa hoạn. Ban đầu lý do hỏa hoạn được cho là chập điện dẫn đến cháy nổ.
Tuy nhiên cuộc điều tra là không đủ để xoa dịu cơn giận dữ cũng như nỗi đau của các bậc cha mẹ. Họ đã tập trung bên ngoài bệnh viện và đòi một lời giải thích rõ ràng.
Hussein Omar, một người cha 30 tuổi cho biết con trai và con gái sinh đôi của mình đã chết trong cơn hỏa hoạn khi chưa được một tuần tuổi.
Bệnh viện Yarmouk đã chỉ dẫn anh đến tìm ở một bệnh viện khác, nơi một số bệnh nhân được chuyển tới. Nhưng sau khi không tìm được, anh đã quay lại Yarmouk, chỉ để được chỉ tới nhà xác.
“Tôi chỉ tìm thấy những mẩu xương thịt đã cháy đen,” anh vừa khóc vừa nói. “Tôi muốn con trai và con gái tôi quay lại. Chính phủ phải trả con cho tôi.”
Shaima Hassan, một bà mẹ thì run lên vì sốc sau khi mất đi cậu con trai 2 tuổi mà chị đã mất hơn một năm đi khắp các bệnh viện trong ngoài Iraq để thụ thai.
“Tôi đã chờ rất lâu để có con, nhưng khi có rồi, tôi lại mất con chỉ trong vài giây,” chị vừa nói vừa cầm chặt trong đôi tay bị bỏng những tờ giấy đã cháy đen.
Chị nhớ lại tình hình hỗn loạn xảy ra ở khu chăm sóc trẻ em lúc nửa đêm định mệnh đó.
“Mọi người hô hoán, 'cháy, cháy' và chạy tán loạn,” Hassan chia sẻ. Chị và chồng vội chạy đến phòng trẻ sơ sinh, nhưng bị chặn lại bởi một màn khói dày đặc. “Rồi ai đó đập vỡ cửa sổ và ném tôi ra ngoài,” chị kể lại.
Vụ tai nạn này nhiều khả năng sẽ làm tăng thêm những lời cáo buộc về sự tham những và khả năng quản lý kém cỏi của chính phủ, khi những khuyến nghị năm 2013 nhằm giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn tại các tòa nhà trong thành phố không có mấy hiệu quả.
13 năm sau khi quân đội Mỹ lật đổ chế độ của ông Saddam Hussein, Iraq vẫn phải chịu tình trạng thiếu điện, nước, trường học và các cơ sở y tế.
Những hình ảnh trên mạng xã hội gần đây cho thấy bệnh viện Yarmouk ở trong tình trạng xuống cấp, với gián bò lổm ngổm trên sàn gạch nứt nẻ, rác đầy tràn các thùng chứa, nhà vệ sinh bẩn thỉu và các bệnh nhân nằm la liệt ngoài sân./.