Chiến hạm IRIS Dena của Iran khi cập cảng tại Rio de Janeiro, Brazil ngày 2/3. Ảnh: AP
Tuyên bố được đưa ra hôm 21/5 khi các quan chức nước này tổ chức một buổi lễ gần vùng biển phía Nam để chào đón hai chiến hạm quay trở lại sau hành trình 8 tháng vòng quanh thế giới.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Iran, Tướng Mohammad Bagheri đã nhấn mạnh: “Cộng hòa Hồi giáo Iran và các quốc gia ở phía Nam Vịnh Ba Tư có khả năng hợp tác để đảm bảo an ninh cho Vịnh Ba Tư, Eo biển Hormuz và Biển Oman. Chúng tôi không cần các quốc gia ở ngoài đảm bảo an ninh vùng biển khu vực, vốn đang được đảm bảo bởi lực lượng Hải quân Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC)”.
Chiến hạm IRIS Dena mang theo tên lửa chống hạm và ngư lôi cùng tàu căn cứ tiền phương duy nhất của Iran là IRIS Makran đã tham gia hành trình kéo dài 8 tháng bắt đầu từ tháng 10/2022.
Hai chiến hạm này đã cập cảng tại Ấn Độ, Indonesia, Brazil. Theo Aljazeera, chính phủ của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva vào cuối tháng 2 đã bật đèn xanh để IRIS Dena và IRIS Makran cập cảng trong một tuần, bất chấp áp lực từ phía Mỹ muốn Brazil cấm hai chiến hạm này.
Đến cuối tháng 3, hai chiến hạm này thả neo tại Cape Town (Nam Phi) trong 5 ngày, sau đó hướng đến Oman và ở đó vào đầu tháng 5.
Trong lễ đón hai chiếm hạm trở về, Tướng Mohammad Bagheri tiết lộ rằng Iran đang đóng thêm các tàu chiến như IRIS Dena.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani tuyên bố việc hai chiến hạm IRIS Dena và IRIS Makran hoàn thành hành trình cho thấy Tehran đã thành công trong vượt qua và tránh được các trừng phạt khắt khe của Mỹ.
Hai ngày trước đó, chỉ huy của lực lượng Hải quân Pháp, Anh và Mỹ tại Trung Đông đã lên tàu khu trục USS Paul Hamilton tham quan Eo biển Hormuz. Tướng Mohammad Bagheri đã lên tiếng đề nghị các nước phương Tây lý giải động thái của họ tại Eo biển Hormuz, nơi cách lãnh hải của họ hàng nghìn km.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn cao trong bối cảnh nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 bị ngưng trệ.
Iran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2015. Điểm chính của JCPOA là Iran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018 đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran.