Anh, Pháp và Đức cho biết vẫn cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran bất chấp quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8.5. Tuy nhiên, Chuẩn tướng Hossein Salami cho rằng, Châu Âu "không thể hành động độc lập về thỏa thuận hạt nhân".
Chuẩn tướng Hossein Salami nói rằng, những kẻ thù của Iran không tìm kiếm sự đối đầu quân sự. "Họ muốn gây sức ép với đất nước của chúng ta bằng cách cô lập kinh tế ... Kháng chiến, không phải ngoại giao, là cách duy nhất để đối đầu với những kẻ thù", hãng tin Fars dẫn lời khẳng định của Phó Tư lệnh IRGC.
Ngay sau tuyên bố của ông Donald Trump, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, Tehran sẽ vẫn tiếp tục tuân thủ thỏa thuận đã ký năm 2015, dù Châu Âu chỉ có một "cơ hội có giới hạn" để duy trì thỏa thuận này.
Một ngày sau quyết định của Tổng thống Mỹ, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng tỏ ý nghi ngờ khả năng các nước Châu Âu đã ký kết thỏa thuận có thể đảm bảo lợi ích của Tehran. Ông nhấn mạnh: "Tôi không tin tưởng những nước này".
Ngoài việc xé bỏ di sản của người tiền nhiệm Obama, ông Donald Trump cũng tuyên bố tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ với Iran, trừng phạt các công ty nước ngoài làm ăn với Tehran.
Châu Âu lo ngại sự sụp đổ của thỏa thuận có thể làm tăng nguy cơ làm sâu sắc thêm xung đột ở Trung Đông.
Sáng 10.5, các lực lượng Iran đã phát động cuộc tấn công đầu tiên vào Israel, bắn tên lửa vào căn cứ quân sự ở Cao nguyên Golan từ lãnh thổ Syria.
Động thái này dẫn tới việc Israel tiến hành một trong những đợt bắn phá nặng nề nhất nhằm vào Syria kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu ở nước này năm 2011.
Lực lượng Quds Force, trực thuộc IRGC, hoạt động cả ơ Iraq, Syria và Yemen và nhiều nơi khác.