Iran trang bị tên lửa mạnh hơn Tomahawk

Kiên Bùi |

Hải quân Iran tuyên bố, tàu chiến của lực lượng này đã chính thức được trang bị loại tên lửa hành trình mới có tầm bắn lên tới trên 2.000km.

Trong tuyên bố trước truyền thông Iran hôm 13/5, Tư lệnh Hải quân thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Alireza Tangsiri cho biết, lực lượng này chính thức được trang bị loại tên lửa hành trình phóng từ chiến hạm có tầm cực xa và hiện đã thiết lập quyền kiểm soát Vịnh Ba Tư từ trên không, trên biển và từ dưới mặt nước.

"Sự di chuyển của các tàu của kẻ thù ở Vịnh Ba Tư đang bị Hải quân IRGC giám sát liên tục và chặt chẽ", ông Alireza Tangsiri nói và cho biết thêm rằng: "Với những tiến bộ vượt bậc về khoa học quân sự, Iran đã cho ra đời loạt vũ khí tối tân. Điều đó cho thấy mức độ sẵn sàng chiến đấu của IRGC đang tăng lên từng ngày".

Cũng theo lãnh đạo của IRGC, loại tên lửa mới được đưa vào trang bị có tên là Qadr-474 có tầm bắn trên 2.000 km. Ban đầu, chúng được trang bị cho ​​chiến hạm Shahid Mahdavi và tàu chiến lớp Shahid Soleimani – một thế hệ tàu hộ tống tên lửa kiểu catamaran mới được Iran công bố vào năm 2022.

Nhờ được ứng dụng những công nghệ mới, Qadr-474 có tầm bắn vượt trội so với hầu hết các biến thể của Tomahawk của Mỹ.

Tomahawk có tầm bắn từ 460 km (chống hạm) đến 1.700 km (tấn công mặt đất), chỉ có các biến thể hạt nhân và phóng từ mặt đất mới có khả năng bay xa tới 2.500 km.

Chúng được trang bị đầu đạn thông thường nặng 450 kg hoặc đầu đạn hạt nhân W80 có đương lượng nổ từ 5 đến 150 kiloton.

Ông Tangsiri không cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào về các đặc điểm của Qadr-474, nhưng cung cấp thông tin chi tiết về việc Hải quân IRGC trang bị một tên lửa hành trình khác cho lực lượng phòng thủ bờ biển riêng biệt có tên Abu Mahdi.

Tên lửa được đặt tên để vinh danh cố chỉ huy lực lượng dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis (người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Baghdad vào năm 2020 cùng với Tư lệnh Lực lượng Quds của IRGC Qasem Soleimani).

Abu Mahdi có tầm bắn lên tới 750 km và có thể thay đổi tầm bắn và mục tiêu giữa chuyến bay nhằm tăng hiệu quả chiến đấu.

Có một điểm chung giữa các tên lửa iran mới đưa vào trang bị theo tiết lộ của ông Tangsiri đó là chúng đều có cùng một hệ thống dẫn đường, giúp chúng có thể phối hợp hành động với nhau.

"Tất nhiên, đầu dò của những tên lửa này khác nhau và chúng tôi có ba loại đầu dò: IR, radar và TV. Những tên lửa này có hệ thống dẫn hướng kép – nghĩa là nếu một hệ thống bị tác chiến điện tử làm gián đoạn, tên lửa sẽ tấn công mục tiêu bằng cách sử dụng thiết bị tìm kiếm thứ hai, đây là một tính năng mới", ông nói.

Iran đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực tác chiến điện tử và hải quân trong những năm gần đây.

Hồi tháng 4, Tư lệnh Hải quân Iran, Đô đốc Shahram Irani báo cáo rằng một tàu ngầm lớp Fateh đã phát hiện một tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ đang cố gắng lẻn qua Eo biển Hormuz bằng cách lặn sâu nhưng IRGC đã buộc nó phải bơi nổi.

Cũng trong tháng 4, Amir Rastegari, Giám đốc Công nghiệp Điện tử Iran, tiết lộ rằng các kỹ sư Iran đã tìm ra cách phân biệt tín hiệu radar của từng máy bay chiến đấu F-35 và thử nghiệm các phương tiện chiến tranh điện tử mới chống lại các kẻ thù trong thế giới thực.

Đối mặt với hàng thập kỷ bị trừng phạt và hạn chế nhập khẩu vũ khí, Iran đã tạo ra một trong những cơ sở công nghiệp quốc phòng bản địa tiên tiến nhất trên thế giới, sản xuất mọi thứ từ tên lửa đạn đạo và hành trình đến máy bay không người lái và radar tầm xa bản địa.

Trong một báo cáo "Theo dõi công nghệ quan trọng" gần đây, viện chính sách chiến lược Australia đã xếp hạng Cộng hòa Hồi giáo Iran ở vị trí thứ 9 trong số 10 cường quốc khoa học và kỹ thuật hàng đầu thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại