Cuộc không kích giết tướng Soleimani tại Iraq hôm 3/1 đang gây ra cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Iran và Mỹ sau nhiều tháng hai bên đe dọa nhau và đẩy cả khu vực đến bên bờ chiến tranh. Xung đột này bắt nguồn từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc. Số phận thỏa thuận này càng bị đe dọa sau khi Tehran hôm qua thông báo sẽ phá vỡ những giới hạn khác.
Iran tuyên bố sẽ “báo thù tàn khốc”. Nước này bị sốc trước cái chết của vị tư lệnh được coi là trụ cột của nhà nước Hồi giáo, vào thời điểm Tehran đang bị bao vây bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ và những cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây. Trả đũa có thể xuất phát từ những lực lượng đại diện mà ông Soleimani giám sát trên cương vị người đứng đầu.
Cuối ngày 4/1, hàng loạt tên lửa được phóng vào Baghdad rơi vào trong hoặc gần Vùng Xanh, nơi tập trung các cơ quan của chính phủ và đại sứ quán nước ngoài, trong đó có Đại sứ quán Mỹ, Reuters đưa tin.
Sau đó, ông Trump viết trên Twitter rằng Mỹ đã “nhắm 52 địa điểm (đại diện cho 52 con tin Mỹ bị Iran giữ từ nhiều năm trước), và một số địa điểm có tầm quan trọng lớn đối với Iran và văn hóa Iran”. Ông Trump không nêu tên những địa điểm đó, nhưng tuyên bố chúng sẽ bị “tấn công rất nhanh và rất nặng”.
Công ước La Hay 1954 mà Mỹ là một bên tham gia cấm tấn công quân sự vào di sản văn hóa. Nhưng những địa điểm như vậy có thể bị tấn công nếu bị chuyển đổi mục đích sử dụng và biến thành mục tiêu quân sự, theo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế.
Iran có 24 di sản văn hoá được UNESCO công nhận và trong những năm qua được cho là đang bảo vệ khu lăng mộ rộng lớn của nhà lập quốc Ayatollah Ruhollah Khomeini bằng hệ thống tên lửa đất đối không.
Sau khi hàng ngàn người tập trung ở Baghdad hôm 4/1 để khóc thương ông Soleimani và những người khác thiệt mạng trong vụ tấn công của Mỹ, giới chức Iran đã đưa thi thể vị tướng này xuống thành phố Ahvaz ở miền tây nam, hãng tin Iran IRNA cho biết.
Một đội danh dự đứng hai bên đường khi xe chở thi thể ông đi qua đám đông người dân mặc áo đen, đấm vào ngực và giương poster in chân dung vị tướng này. Họ cũng mang theo lá cờ màu đỏ của người Shiite tượng trưng cho máu của ai đó đã đổ xuống và lời thề báo thù.
Giới chức Iran cũng đưa thi thể ông Soleimani về Mashhad vào cuối ngày hôm qua, đến Tehran và Qom trong ngày hôm nay, sau đó là quê nhà ông ở Kerman vào ngày mai để mai táng.
Đây là lần đầu tiên Iran vinh danh một cá nhân bằng nghi lễ ở nhiều thành phố như vậy. Ngay cả nhà lập quốc Khomeini cũng không được thực hiện nghi lễ ở quy mô đó khi ông qua đời năm 1989. Hôm nay, thi thể ông Soleimani được đặt trong đền thờ Musalla danh tiếng của Tehran, giống như nhà lãnh đạo cách mạng qua đời trước ông.
Nín thở… chờ
Dù chưa rõ Iran sẽ đáp trả như thế nào và khi nào, nhưng chắc chắn họ phải đợi sau 3 ngày quốc tang ở cả Iran và Iraq. Mọi ánh mắt giờ đang dồn về Iraq, nơi Mỹ và Iran đang cạnh tranh ảnh hưởng kể từ cuộc tấn công của Mỹ năm 2003.
Sau cuộc không kích hôm 3/1, liên quân do Mỹ đứng đầu đã giảm bớt hoạt động và đẩy mạnh các biện pháp an ninh và phòng thủ tại các căn cứ của liên quân ở Iraq, AP dẫn lời một quan chức liên quân giấu tên cho biết.
Trong khi đó, Mỹ phái thêm 3.000 quân đến Kuwait, nước láng giềng của Iran. Biểu tình diễn ra trên nhiều thành phố của Mỹ vào cuối tuần qua để phản đối ông Trump giết tướng Soleimani và đưa thêm quân đến Trung Đông.
Asaib Ahl al-Haq, một trong những lực lượng được Iran hậu thuẫn, hôm qua kêu gọi lực lượng an ninh Iraq tránh xa các căn cứ của Mỹ ít nhất 1km từ đêm qua. Nhưng quân Mỹ luôn đóng tại các căn cứ chung với lực lượng địa phương.
Quốc hội Iran hôm qua khai mạc với màn đồng thanh của các nghị sĩ: “Cái chết cho người Mỹ”. Chủ tịch quốc hội Iran Ali Larijani so sánh vụ giết hại ông Soleimani với cuộc đảo chính năm 1953 do Mỹ hậu thuẫn và vụ Hải quân Mỹ bắn rơi một máy bay chở khách của Iran năm 1988 khiến 290 người thiệt mạng. Ông cũng chỉ trích giới chức Mỹ hành động theo “luật rừng”.
Trong khi đó, NATO tạm dừng mọi hoạt động huấn luyện ở Iraq do lo ngại nguy cơ an ninh, Bộ trưởng quốc phòng Canada Harjit Sajjan cho biết. Mỹ đã yêu cầu tất cả công dân rời khỏi Iraq và tạm đóng đại sứ quán tại Baghdad. Anh và Pháp cũng cảnh báo công dân tránh hoặc hạn chế tối đa đi đến Iraq.
Website của chính phủ Mỹ nghi bị hacker Iran xâm nhập. Một ngày sau khi Mỹ không kích làm thiệt mạng tư lệnh tối cao của quân đội Iran, Federal Depository Library Program, một trong những trang web của chính phủ Mỹ, được cho là bị tin tặc Iran tấn công.
L.A