Ngày 1/8, đặc phái viên của tổng thống Nga tại Syria, ông Alexander Lavrentiev, cho biết các lực lượng của người Iran cùng với những nhóm đồng minh Hồi giáo dòng Shiite đã rút lui khỏi miền nam Syria đến vị trí cách cao nguyên Golan - do Irasel kiểm soát - khoảng 85 km.
Lavrentiev nhấn mạnh số vũ khí hạng nặng trong tay các lực lượng này cũng được rút ra xa khỏi Golan.
Diễn biến này đưa đến câu hỏi về khả năng Tehran sắp rút tiếp lực lượng và đồng minh khỏi các phần khác của Syria, hay đây chỉ là nước cờ chiến thuật trong điều chỉnh chiến lược của Iran với Syria giữa bối cảnh có những thay đổi rõ rệt trong cán cân các bên trên mặt trận quân sự và chính trị.
Giáo sư Hamidreza Azizi từ Đại học Shahid Beheshti (Iran) đánh giá, có hai nhóm nhân tố tác động đến quyết định rút lui khỏi cứ điểm của Iran.
Người Syria vẫy cờ Iran, Nga và Syria trong một cuộc biểu tình tại Damascus để phản đối các cuộc không kích của Mỹ, ngày 14/4/2018 (Ảnh: Reuters)
Rút lực lượng khỏi khu vực không còn ưu tiên
Đầu tiên, thông tin Iran rút lui khỏi miền nam Syria xuất hiện chỉ 1 ngày sau khi quân chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad kết thúc chiến dịch 6 tuần giành lại khu vực vùng tây nam đất nước, giáp cao nguyên Golan.
Như thế, theo ông Azizi, khu vực phía nam Syria không còn là ưu tiên hàng đầu về mặt quân sự của quân chính phủ và các đồng minh (bao gồm Iran).
Giai đoạn tiếp theo của chiến dịch quân sự sẽ diễn ra ở các khu vực phía bắc và phía đông, như tỉnh Idlib vẫn còn nằm trong tay các lực lượng đối lập. Ông Lavrentiev chỉ rõ đó là "các khu vực gồm Idlib, al-Tanf, cũng như khu vực do người Kurd kiểm soát ở gần biên giới Iraq-Syria".
Các lực lượng thân Iran bắt đầu rút khỏi miền nam Syria khi nhiệm vụ tại đây hoàn thành và sự hiện diện của họ không còn là trọng yếu trong cán cân sức mạnh quân sự ở thực địa.
Ở khuôn khổ rộng hơn, sự rút lui này là cần thiết để chính phủ Syria tái lập vai trò quản lý ở miền nam.
Học giả Azizi cho rằng, sự hiện diện của Iran-đồng minh ở miền nam Syria đã bị người Israel tận dụng làm lý do tiến hành các vụ tấn công vào nhiều vị trí bên trong lãnh thổ Syria. Như thế Iran tiếp tục duy trì lực lượng có thể đồng nghĩa các vụ tấn công của Israel sẽ tiếp diễn và gây cho chính quyền Assad thêm nhiều rắc rối, thậm chí kìm hãm khả năng triển khai quân sự của chính phủ Syria ở các phần còn lại của đất nước.
Tổng thống Nga Putin (trái) và tổng thống Iran Rouhani (Ảnh: Al-Monitor)
Tehran chủ động giảm căng thẳng với Tel Aviv
Trên bình diện chính trị, nguyên nhân khiến Iran hạn chế bớt mức độ hoạt động quân sự của mình dường như là việc Nga thay đổi vai trò ngoại giao của họ trong cuộc khủng hoảng Syria.
Một mặt, Nga cho thấy quyết tâm giữ vai trò cân bằng giữa lợi ích của Iran và Israel tại Syria, nhưng đồng thời Moskva xoay dần sang hướng tiếp cận có phần tiến thoái lưỡng nan hơn.
Hôm 30/7, đại sứ Nga tại Tel Aviv, ông Anatoly Viktorov đưa ra lập trường tương đối gây tranh cãi khi nói rằng "Nga không thể buộc lực lượng Iran rời khỏi Syria" và "tương tự cũng không làm gì để ngăn cản quân đội Israel tấn công lực lượng Iran".
Phát biểu này cho thấy rõ Moskva không thể ngăn chặn một cuộc đối đầu mở giữa Iran và Israel tại Syria, trừ khi Tehran và Tel Aviv đi đến nhận thức chung về các hoạt động của song phương. Thu hẹp hoạt động của Iran để đổi lại Israel ngưng các vụ tấn công có thể chính là nhận thức chung đó, nhằm tránh xung đột leo thang nguy hiểm.
Phối hợp với Nga để hạn chế Mỹ ở Syria
Mặt khác, sau hội nghị thượng đỉnh ngày 16/7 ở Helsinki giữa tổng thống Nga Vladimir Putin với đồng cấp Mỹ Donald Trump, với nội dung thảo luận về Syria là một phần quan trọng, Moskva đã gia tăng sức ép ngoại giao để buộc Washington kiềm chế vai trò quân sự của mình ở quốc gia Ả Rập.
Ngày 3/8, trung tướng Sergei Rudskoy - chỉ huy Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga - kêu gọi Mỹ đóng cửa căn cứ của họ ở al-Tanf. Nga và Syria thời gian qua cáo buộc căn cứ này đã bị lợi dụng làm địa điểm "dung túng" các thành viên IS.
Trong khi Mỹ công khai tuyên bố mục tiêu hiện nay tại Syria là chống lại ảnh hưởng và kìm hãm hiện diện của Iran, đây có thể là "điểm cân bằng" để Nga yêu cầu Mỹ hạn chế hiện diện của chính họ.
Hiện diện quân sự Mỹ tại Syria bị cả Tehran và Moskva xem là đe dọa đối với lợi ích dài hạn của hai nước, cho nên - theo giáo sư Hamidreza Azizi - Iran không cần lưỡng lự khi trao cho Nga "quân bài ngoại giao phụ trội" trong đàm phán với Mỹ.
Bằng chứng cho thấy sự đồng thuận về dàn xếp giữa Mỹ-Nga-Iran ở Syria là việc không bên nào lên tiếng bác bỏ thông tin từ Bloomberg ngày 17/8 - hé lộ ông Trump và ông Putin đã nhất trí quan điểm với nhau rằng Iran nên rút khỏi Syria, bất chấp quan hệ giữa Washington và Tehran đang ở mức rất thấp do căng thẳng từ các lệnh cấm vận mới của chính quyền Trump.
Iran tái định vị chiến lược
Dường như Iran đang trong lộ trình tái xác định vai trò ở Syria, sau khi có nhiều tín hiệu cho thấy hồi kết của giai đoạn xung đột vũ trang đang tới gần, và giờ là lúc để tập trung vào gìn giữ lợi ích của Tehran thông qua các giải pháp chính trị-đối ngoại.
Trong tình hình này, Iran đang "đảo chiều" chiến lược từ hoạt động quân sự tích cực sang tham gia sôi nổi hơn vào các khuôn khổ ngoại giao liên quan tới Syria.
Hội nghị cấp cao các thành viên nhóm Astana về vấn đề Syria - dự kiến tổ chức tại Tehran vào tháng 9 - có thể hiểu là thống điệp về đóng góp ngoại giao của Iran. Nước này cũng tích cực tham gia vào quá trình xây dựng Ủy ban hiến pháp Syria - tổ chức có nhiệm vụ soạn thảo bộ hiến pháp mới cho đất nước.
Tổng kết nhiều nguyên nhân, ông Azizi chỉ ra, động thái rút lui gần đây của Iran và lực lượng thân Iran khỏi miền nam Syria xuất phát từ điều chỉnh chiến lược để phù hợp với tiến triển quân sự-chính trị mới trên thực địa, hơn là Tehran phải lùi bước trước sức ép từ người Nga hay Israel.
Israel công bố video bắn hạ UAV của Iran xâm phạm không phận