Iran tấn công Israel, 2 nước bên bờ vực chiến tranh
Ít giờ trước, IDF (Lực lượng Phòng vệ Israel) cho biết Iran đã phát động một cuộc tấn công bằng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái (UAV) lớn nhằm vào các mục tiêu ở Israel nhằm trả đũa cuộc không kích tòa nhà Đại sứ quán Iran ở Damascus (Syria) vào tuần trước.
Tới thời điểm hiện tại, Tel Aviv cho biết tổng số UAV và tên lửa Iran là hơn 300 và 99% đã bị vô hiệu hóa tuy nhiên vẫn gây thiệt hại nhẹ cho 1 căn cứ quân sự.
Cả thế giới đang "nín thở" trước cảnh 2 quốc gia đang "bên bờ vực" của một cuộc xung đột trực tiếp, có thể kéo theo các cường quốc khác và đặc biệt là người Mỹ - dù nước này đã tuyên bố không ủng hộ hành động trả đũa tiếp theo của Israel.
Có lẽ câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu những "cái đầu nóng" của hai cường quốc Trung Đông có dẫn nhau tới viễn cảnh đen tối này không và nếu có thì so sánh khả năng quân sự giữa hai quốc gia kình địch có giúp dự đoán bên thắng cuộc hay không.
Theo ước tính của GlobalFirepower.com dựa trên số liệu của CIA - ngân sách quốc phòng của Iran và Israel lần lượt là 9,95 tỷ USD và 24,4 tỷ USD.
Nhân lực tại ngũ 610.000 (Iran) và 147.000 (Israel), nhân lực dự bị 350.000 và 465.000, lực lượng bán quân sự 220.000 và 35.000.
Tổng số máy bay quân sự là 551 (Iran) và 612 (Israel) trong đó tiêm kích là 186 và 241, cường kích là 23 và 39.
Tổng số xe tăng là 1.996 (Iran) và 1.378 (Israel). Tổng số tổ hợp tên lửa cơ động là 775 (Iran) và 450 (Israel). Tổng số tàu quân sự là 101 (Iran) và 67 (Israel).
Một đoạn phim tuyên truyền của IDF mô tả các mối đe dọa của Iran và đồng minh.
Kịch bản nào?
Tuy nhiên, trong trường hợp một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp nổ ra giữa Iran và Israel, cách tiếp cận của Tel Aviv và Tehran sẽ khác nhau.
Người Israel sẽ không muốn hướng cuộc xung đột trở thành một cuộc chiến trên mặt đất do dân số giữa hai nước là khá chênh lệch với 9 triệu người (Israel) và 87,54 triệu (Iran).
Và đó là chưa kể tới các lực lượng đồng minh của Iran xung quanh Israel - đặc biệt là ở Lebanon, Syria và Iraq. Do vậy nhiều chuyên gia đều tin rằng Israel sẽ giới hạn cuộc xung đột ở các hoạt động trên không và có thể là trên biển.
Về phần mình, việc Iran tiến hành cuộc xung đột trên mặt đất cũng khó khả thi do lực lượng của họ và đồng minh ở gần Israel là không đủ để đối phó với lực lượng lục quân của IDF.
Mặc dù tập trung mua sắm máy bay quân sự trong những năm gần đây nhưng Tehran vẫn thua kém Tel Aviv về mặt này và lợi thế rõ ràng của họ là nằm ở lực lượng tên lửa và UAV.
Và đặc biệt là số lượng không thể xác định UAV cảm tử Shahed-136 tương tự như Geran-2 người Nga đang sử dụng trong khu vực "chiến dịch quân sự đặc biệt" cũng như tên lửa đạn đạo Fatej-313 và Qiam-1 đã được dùng để tấn công các căn cứ Mỹ ở Iraq vào năm 2020.
Như vậy kịch bản xung đột dễ xảy ra nhất là ở trên không với việc hai bên tận dụng thế mạnh của chính mình.
Ai thắng ai trong kịch bản chiến tranh trên không?
Đa phần chiến đấu cơ của Iran đã lỗi thời, và những thứ đáng kể nhất trong việc chiếm ưu thế trên không là khoảng 70 chiếc MiG-29 và F-14A Tomcat. Ngược lại Israel đang sở hữu gần 300 tiêm kích F-35I, F-15I và F-16I hiện đại.
Quan trọng hơn, chúng được nâng cấp để có thể tiến hành các cuộc tập kích ồ ạt vào mục tiêu cách xa hàng nghìn km trong lãnh thổ Iran, không những vậy vũ khí trang bị trên các tiêm kích đa năng nói trên của Israel là vào loại hiện đại nhất thế giới.
Ẩn số chỉ có thể về thông tin Iran mua tiêm kích Su-35 từ Nga (được nước này đưa ra tại Liên Hợp Quốc vào tháng 3/2023). Cho tới nay vẫn chưa thể rõ số lượng tiêm kích đa năng Nga mà Tehran đang nắm giữ.
Tuy nhiên tất cả những gì không quân Iran (và lực lượng phòng không nước này với các tổ hợp hiện đại như S-300) có thể làm được trong cuộc đối đầu sẽ là các phi vụ đánh chặn đối phương.
Một chuyến xuất kích của tiêm kích đa năng Su-35 Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine (Nguồn: BQP Nga)
Ở chiều ngược lại, mặc dù Tel Aviv sở hữu các hệ thống phòng không hiện đại nhưng chúng rõ ràng không thấm tháp gì so với số lượng tên lửa, UAV và rocket mà người Iran và các đồng minh có thể khai hỏa.
Và để đáp trả các cuộc không kích vào các mục tiêu nhạy cảm ở Iran hoặc các nước Trung Đông khác, Tehran sẽ tận dụng tối đa khả năng này với số lượng chỉ tăng chứ không giảm.
Lượng lớn mục tiêu trên không này sẽ tiêu hao đáng kể khả năng phòng không của Israel (bao gồm cả các hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt), David's Sling, Arrow 3...) thậm chí cả năng lực tấn công của Không quân Israel cũng bị ảnh hưởng do phải tham gia các phi vụ phòng thủ.
Có một giả định nguy hiểm khác vẫn tồn tại và điều đó liên quan tới một cuộc xung đột sử dụng vũ khí hạt nhân. Mặc dù cả Israel và Iran đều bác bỏ các cáo buộc về phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng cả hai đều sở hữu năng lực đủ để làm việc này.
Tuy nhiên nếu cuộc đối đầu chỉ dừng lại ở các hoạt động quân sự trên không - khó có khả năng Tel Aviv và Tehran quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân (nếu họ có).
Trên tất cả, một cuộc đối đầu quân sự như kịch bản trên giữa hai cường quốc khu vực dường như vẫn là khả năng rất khó xảy ra - có lẽ cuộc tập kích UAV và tên lửa của Iran sẽ là 1 lần và Israel cũng sẽ không hành động "leo thang" đáng kể.
Đó là vì ngay cả nhiều chuyên gia cũng từng nhận xét rằng cả hai nước đều sở hữu những "bộ não thông minh", có thể nhận ra "chiến tranh tốn kém như thế nào".
Clip F-35 của Mỹ lần đầu thả bom hạt nhân.