Iran quyết sở hữu tên lửa "đẹp và thông minh" như Mỹ?
Hôm 6/9, hãng tin Nga Sputnik dẫn lời của Bộ trưởng quốc phòng Iran Amir Hatami tiết lộ rằng một trong nhiều mục tiêu chính của ngành công nghiệp quốc phòng nước này là tăng tầm bắn hiệu quả của Tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM).
"Đồng thời, Iran không tìm cách tăng tầm bắn vượt quá 2.000 km của bất kỳ loại tên lửa hành trình nào, phóng từ trên không, trên mặt đất hoặc trên biển, vì chúng tôi không cần vũ khí tầm xa", ông Hatami nhấn mạnh.
Bộ trưởng quốc phòng Iran không quên ca ngợi ngành công nghiệp quốc phòng trong nước đang phát triển tốt và có khả năng xử lý việc hiện đại hóa tên lửa theo kế hoạch mà quân đội nước này đưa ra.
Mặc dù lưu ý rằng các doanh nghiệp trong nước hiện đáp ứng 90% nhu cầu quốc phòng của Tehran, nhưng ông Hatami cũng thừa nhận rằng sau khi Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí thông thường, Iran có thể sẽ khởi động các thương vụ vũ khí với nước ngoài.
Một tên lửa chống hạm phóng từ trên không được Iran công bố vào năm 2013.
Hiện tại, hầu hết các loại tên lửa Iran có tầm bắn giao động xung quanh "mốc" 1.000 km.
Tuy Tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM) có tầm bắn hiệu quả lên tới 1.400 km nhưng tên lửa phòng không của Tehran được đánh giá là "kém hiệu quả", khi chỉ có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách dưới 1.000 km.
Theo Sputnik, các lực lượng vũ trang của Cộng hòa Hồi giáo Iran đặt mục tiêu đưa tầm bắn ALCM ngang hàng với GLCM bằng cách tăng công suất đầu ra của động cơ.
Vào ngày 11/4/2018, tức là trước cuộc tập kích đường không vào Syria 3 ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua mạng xã hội Twitter tuyên bố: "Nga đã thề sẽ bắn rơi tất cả các tên lửa khai hỏa vào Syria. Hãy sẵn sàng đi, vì chúng sẽ đến, tốt, mới và 'thông minh!'".
Trong buổi họp báo ngày 25/4/2018, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố những bằng chứng cụ thể khẳng định rất nhiều tên lửa hành trình của Mỹ và đồng minh sử dụng trong cuộc tập kích bị bắn hạ bao gồm BGM-109 Tomahawk, AGM-158 JASSM và SCALP EG/Storm Shadow.
AGM-158 JASSM (và biến thể tăng tầm JASSM-ER) lẫn SCALP EG/Storm Shadow đều là ALCM cận âm, dẫn hướng bằng hệ thống dẫn đường quán tính (INS) kết hợp định vị GPS và đầu dò mục tiêu hồng ngoại ở pha cuối với tầm bắn từ 350 đến 925 km.
Các ALCM nói trên được thiết kế để bay thấp, bám địa hình, thường xuyên thay đổi lộ trình và được hỗ trợ bởi một loạt các biện pháp đối phó với việc gây nhiễu radar, tuy nhiên theo phía Nga, có tới 46 trên tổng số 105 tên lửa bị bắn rơi hoặc rơi do sự cố.
Theo tuyên bố của lãnh đạo Bộ Chỉ huy Các hoạt động quân sự thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, Thượng tướng Sergei Rudskoy, 2 tên lửa tương đối hoàn chỉnh với 1 tên lửa Tomahawk và một ALCM đã bị thu giữ.
Video giới thiệu tính năng kỹ chiến thuật của ALCM Scalp EG/Storm Shadows (Nguồn: Nhà sản xuất MBDA).
Phòng không Mỹ - Israel có "bó tay chịu chết"?
Việc các tên lửa có nguồn gốc từ Iran tấn công chính xác vào mục tiêu các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi năm 2019 hay căn cứ Mỹ ở Iraq đầu năm 2020 khẳng định rằng Tehran đã sở hữu các công nghệ dẫn đường và dò tìm mục tiêu khá hiệu quả trong khu vực.
Tuy nhiên chi tiết về các loại ALCM của Iran vẫn tiếp tục là ẩn số.
Ya-Ali là loại ALCM đầu tiên được Tehran phát triển vào những năm 2010. Theo Janes Defense, ALCM này được lắp đặt động cơ phản lực Toloue-4 được cho là có tầm bắn 700 km.
Toloue-4 bản thân nó lại là bản sao của động cơ Microturbo TRI 60 của Pháp. Đáng chú ý là biến thể TRI 60-30 của dòng động cơ này chính là loại được trang bị trên các ALCM SCALP EG/Storm Shadow.
Không khó để nhận ra ALCM Ya-Ali (trên) là sự kết hợp giữa tên lửa Kh-55 của Liên Xô và động cơ Microturbo TRI 60 của Pháp.
Có thể thấy về mặt công nghệ, các ALCM của Iran trong tương lai gần ít nhất là sẽ có năng lực tương đương, nếu không muốn nói là vượt trội do tầm bắn xa hơn SCALP EG/Storm Shadow (khoảng 560 km).
Trong một giả định loại ALCM tương lai này sẽ được sử dụng trong các cuộc tập kích nhằm vào các căn cứ Mỹ hoặc Israel ở Trung Đông, mặc dù cả Tel Aviv lẫn Washington đã nhiều năm đầu tư phát triển các hệ thống phòng không trước đe dọa của tên lửa Iran, rõ ràng đây là một thách thức mới mà họ khó có thể xem thường.
Có lẽ câu hỏi được đặt ra lúc này chỉ là việc Iran sẽ sử dụng nền tảng gì để triển khai ALCM trong tương lai.
Tehran sẽ khó có thể trông đợi vào những chiếc F-5E hay F-14 đã lạc hậu trong trang bị và có thể sẽ phải mua sắm những tiêm kích đa năng của Nga, hoặc có thể là cả Trung Quốc ngay khi lệnh cấm vận của LHQ kết thúc - dự kiến vào tháng 10/2020.
Có lẽ vào lúc này người Iran đang trong quá trình đàm phán với phía Nga để trút "gánh nặng trên vai" F-14 Tomcat bằng Su-30SM một khi lệnh cấm vận vũ khí được gỡ bỏ?