Tàu chở dầu của Iran đến Venezuela bị Hải quân Mỹ ngăn chặn. Nguồn: sina.
Theo báo cáo của truyền thông Mỹ ngày 6/6, tàu chiến Iran dường như lần đầu tiên bắt đầu vượt Đại Tây Dương, Mỹ đã cảnh báo Iran không nên mang theo vũ khí trong đợt hành trình lần này.
Báo cáo dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ nắm rõ tình hình cho biết, hai tàu chiến Iran lần đầu tiên đi qua Mũi Hảo Vọng (mũi đất nhiều đá nằm ở bờ biển Đại Tây Dương của bán đảo Cape, Nam Phi) và dường như muốn băng qua Đại Tây Dương. Các quan chức Mỹ tin rằng, điểm đến của chuyến đi này có thể là Venezuela.
Tehran trước đó đã đe dọa gửi tàu chiến đến Tây Bán cầu, nhưng những nỗ lực như vậy đã bị từ bỏ. Quan chức Lầu Năm Góc cho biết, các quan chức Mỹ vẫn chưa lo ngại quá mức vì vẫn còn khoảng thời gian ngắn để các tàu chiến này quay đầu hoặc tới cảng thay vì tiếp tục ra khơi.
Tuy nhiên, nếu chuyến vượt biển được hoàn thành thành công, đây sẽ là một minh chứng lớn về năng lực hải quân của Iran và có thể tạo chỗ đứng mới cho Iran trong mắt các nước láng giềng thân cận của Mỹ.
Báo cáo cho hay, trong hai tuần qua, cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đã theo dõi chặt chẽ tiến trình hoạt động của hai tàu chiến Iran. Mặc dù mục đích và hàng hóa mang theo của chuyến đi vẫn chưa được xác định cụ thể, nhưng tình báo Mỹ tin rằng đây là chuyến đi mang theo vũ khí đến Venezuela.
Giả thuyết này cũng được nhiều quan chức trong chính quyền Biden tin tưởng và cảnh báo rằng, Mỹ sẽ hành động để ngăn chặn vụ việc này. Công ty Công nghệ Maxar đã cung cấp các hình ảnh vệ tinh về con tàu chiến vào đầu tháng 5/2021, hình ảnh cho thấy trên boong có 7 tàu tấn công nhanh.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng, Venezuela đã mua vũ khí từ Iran hơn một năm trước. Kirby cảnh báo rằng việc chuyển giao vũ khí mới "sẽ là hành động khiêu khích và gây ra mối đe dọa cho các đối tác của chúng tôi ở bán cầu này".
Kirby cũng cảnh báo rằng Mỹ có quyền "làm việc với các đối tác của chúng tôi để thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm ngăn chặn việc chuyển giao hoặc vận chuyển các loại vũ khí như vậy".
Báo cáo cho biết, hiện vẫn chưa rõ Washington đã thực hiện các biện pháp ngoại giao nào để ngăn chặn hành động của các tàu này. Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không tiết lộ liệu họ có nêu vấn đề này với Iran trong cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna hay không.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao đã nói rõ trong một tuyên bố rằng, họ dự định sử dụng "quyền hạn thích hợp bao gồm cả các biện pháp trừng phạt".
Theo một bài báo ngày 4 tháng 6 trên trang National Interest của Mỹ, hai tàu của Iran đang đi về phía nam dọc theo bờ biển phía đông của châu Phi, hiện đã vào Đại Tây Dương và có thể đi đến Venezuela. Những con tàu này bao gồm một tàu khu trục nhỏ và một tàu chở dầu được cải tiến cho mục đích quân sự, con tàu này chở 7 tàu tấn công nhanh.
Theo báo cáo, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio đã đề xuất rằng, Mỹ nên ngăn chặn những con tàu này đến Venezuela.
Đề xuất này làm cho nhiều chính trị gia lo ngại, do sự hiện diện của các tàu Iran trong vùng biển quốc tế về bản chất và luật pháp không đe dọa lợi ích của Mỹ, nếu Mỹ ngăn chặn Iran cũng đồng nghĩa với việc can thiệp vào quyền tự do hàng hải trên biển, điều này không phù hợp với các quy tắc quốc tế.
Được biết, Mỹ đã nhiều lần ngăn chặn giao dịch giữa Iran và Venezuela, chủ yếu là giao dịch dầu khí. Nếu như lần này Iran thực sự đưa vũ khí đến Venezuela, sự việc sẽ khác, vì nó không còn đơn thuần là giao dịch dân sự nữa, mà là giao dịch quân sự.
Nếu xử lý không khéo léo, rất có thể quan hệ giữa Washington và Tehran sẽ leo thang lên một cấp độ căng thẳng mới và vịnh Ba Tư sẽ tiếp tục trở thành điểm nóng thu hút sự chú ý của toàn thế giới.