Trong những năm gần đây, những người Iran giàu có gần như “tràn ngập” quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ý kiến của những người nhập cư này, tại đây, họ tự do trước các biện pháp trừng phạt hủy diệt của Mỹ, những quy định của Hồi giáo và các cuộc biểu tình mang màu sắc chính trị, The Sunday Times đưa tin.
Cô Maryam Seda, người Iran, đã chuyển tới Istanbul từ 3 năm trước. Cô mở một cửa hàng nhỏ ở đây để bán đồ đặc sản cho những người đồng hương của mình, và công việc kinh doanh của cô khá suôn sẻ.
Theo lời tờ báo này, chỉ trong vòng 1 năm qua, đã có 30 nghìn người Iran di cư sang Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu hết trong số đó đã bỏ chạy khỏi những biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này kiệt quệ.
Ngoài ra, trong tháng 11, hàng nghìn người đã xuống đường phố Tehran để biểu tình chống lại việc giá xăng tăng. Theo dữ liệu của tổ chức Ấn xá Quốc tế (Amnesty International), có 106 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình này, do bị cảnh sát trấn áp. Thế nhưng chính quyền Iran gọi các thông tin này là “dối trá”.
Các đại diện của tầng lớp trung lưu Iran gần như “tràn ngập” Thổ Nhĩ Kỳ, một trong số vài quốc gia mà họ được miễn thị thực.“Sống ở đây đơn giản hơn nhiều. Tại Iran hiện nay điều này là không thể. Kinh tế đang ở trong tình trạng rất tồi tệ, và các cuộc biểu tình khiến tôi vô cùng lo lắng. Đã vài ngày tôi không nhận được tin tức từ mẹ của mình”, cô Seda nói.
Giống như Seda, nhiều người lựa chọn di cư sang Thổ Nhĩ Kỳ là những doanh nhân có học thức nhưng vô tín ngưỡng. Họ coi Thổ Nhĩ Kỳ là một nơi an toàn để đầu tư và là nơi họ có thể tránh khỏi những “luật pháp ngặt nghèo của Hồi giáo”.
Một số người bắt đầu kinh doanh ở Thổ Nhĩ Kỳ, bởi điều này giúp họ tránh được các biện pháp trừng phạt. Những người khác tận dụng chính sách của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cấp quốc tịch cho bất cứ ai đầu tư tối thiểu 200 nghìn lyra vào bất động sản. Trong những tháng đầu tiên của năm nay, những người Iran đã mua 3.000 ngôi nhà tại Thổ Nhĩ Kỳ, gần gấp 2 lần so với năm 2018.
Ảnh minh họa: Reuters
Những người bỏ xứ để "tìm kiếm sự tự do"
Sau khi vua Shah bị lật đổ vào năm 1979, hàng triệu người Iran đã rời khỏi đất nước, và nhiều người trong số đó đã ở lại châu Âu và Mỹ. Nhưng vì những hạn chế về thị thực được áp dụng dưới thời Tổng thống Donald Trump, việc nhập cư vào Mỹ gần như là điều không thể. Bởi vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đối với họ là một trong số ít những nơi có nhiều cơ hội.
“Tất cả đều tìm phương án dự phòng. Đất nước của họ không ổn định. Họ cảm thấy được tự do tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ở đây họ có thể uống rượu, ăn mặc theo cách họ thích”, luật sư người Thổ Nhĩ Kỳ Ali Guden, chủ yếu cung cấp dịch vụ cho những người Iran có tiền cho biết.
Nhiều đại diện tầng lớp trung lưu tại Iran mất hết tiền tiết kiệm, còn các dự án kinh doanh của họ bị phá tan tành. Thỉnh thoảng giá cả của những mặt hàng thiết yếu như sữa trẻ em tăng gấp 3 lần mà không hề có thông báo trước.
Thậm chí những người giàu cũng chịu áp lực. Một ông chủ công ty xây dựng tại Tehran, ông Iradj Hosseini tuyên bố rằng sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ để “tránh khỏi sự hỗn loạn”. Cách đây không lâu ông đã mở rộng hoạt động kinh doanh của mình ở nước ngoài khi mua một nhà hàng đồ ăn Iran tại Istanbul.
“Tôi mở thẻ tín dụng ở hầu hết các ngân hàng của Iran. Không nên tập trung tiền vào một nơi. Tại Iran, người ta không thích gửi tiền vào ngân hàng, mà đầu tư vào đất đai”, ông Hosseini chia sẻ.
“Tôi đến đây để tìm kiếm sự tự do”, người con trai 23 tuổi của ông Iradj tên là Siavash nói. Anh ta đến Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 4 năm và cho đến nay đang điều hành hoạt động kinh doanh trong ngành xây dựng. Tại quê hương của anh, tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên lên đến 40%, đối với phụ nữ chỉ số này còn cao hơn.
“Sự thật là hệ thống đang cho thấy nó không có khả năng cải cách. Điều này khiến giới trẻ thất vọng”, Siavash phân trần.
Lãnh đạo dự án tại tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, ông Ali Vaez, cũng có cùng quan điểm như vậy.“Có nhiều lý do khiến thanh niên Iran rời bỏ đất nước. Không chấp nhận những bất đồng, cơ hội có một tương lai tươi sáng hơn và việc chính phủ không thể tái cơ cấu. Chính phủ Iran thường đổ lỗi cho người ngoài, thay vì thừa nhận những nhu cầu chính đáng của người dân”, ông Vaez nói.