Thông điệp "thay đổi chế độ"?
Căng thẳng Mỹ-Iran đã leo thang trong vài tuần trở lại đây sau vụ tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh. Mỹ và các đồng minh trong khu vực đã cáo buộc Iran thực hiện vụ tấn công nhưng Iran phủ nhận.
Vụ bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ hồi tuần trước suýt chút nữa đã đưa 2 nước tới bờ vực chiến tranh. Tổng thống Mỹ ban đầu đã đồng ý tấn công Iran để trả đũa nhưng sau đó rút lại quyết định.
Ông Trump khẳng định, ông không tìm cách phát động chiến tranh với Iran khi ông điều các nhà ngoại giao hàng đầu của mình - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton - tới Trung Đông để tìm kiếm sự ủng hộ nhằm đối phó với Iran.
Pompeo cho biết, ông hy vọng rằng hơn 20 quốc gia, gồm cả UAE và Ả Rập Saudi, sẽ hợp tác xây dựng an ninh hàng hải ở vùng Vịnh, một trong những nguồn cung dầu chủ yếu của thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, chuyên gia Jarrett Blance của trung tâm phân tích Carnegie Endowment for International Peace (Mỹ), cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ thời Barack Obama, nhận định rằng: Mặc dù các biện pháp cấm vận mới chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng nhưng thông điệp ẩn sau có thể khiến tình hình tiếp tục leo thang.
"Cấm vận nhằm vào Lãnh tụ Tối cao và văn phòng của ông gần như chắc chắn sẽ được Iran coi là sự xác nhận cho việc chính quyền này [Mỹ] theo đuổi một chính sách nhằm thay đổi chế độ [của Iran - ND]", Blanc nói.
"Kể cả Tổng thống Trump phủ nhận điều này và các quan chức khác không dùng cụm từ ấy, thì mục tiêu khi nhắm tới lãnh đạo đất nước là gì, ngoài thay đổi chế độ?", Blanc đặt ra câu hỏi.
Cựu quan chức Mỹ cho rằng, thông điệp mà chính quyền Trump gửi đi "nhiều khả năng sẽ dẫn tới leo thang, chứ không khiến tình hình giảm nhiệt".
"Tổng thống Trump nói, và tôi tin rằng, ông ấy không tìm kiếm chiến tranh ở Trung Đông, nhưng ông ấy không theo dõi chi tiết tình hình, và ông ấy đã thuê không phải các nhà ngoại giao, mà là những người gây rối, và cho phép họ tiến hành một chính sách rất, rất khiêu khích".
Vĩnh viễn khép lại con đường ngoại giao
Bộ Ngoại giao Iran cho rằng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đã "vĩnh viễn đóng sập cánh cửa ngoại giao" giữa Mỹ và Iran sau khi Washington quyết định áp các biện pháp cấm vận "mạnh tay" nhằm vào giới lãnh đạo cấp cao của đất nước, gồm cả Lãnh tụ Tối cao của Iran.
"Áp đặt các lệnh cấm vận vô dụng nhằm vào Lãnh tụ Tối cao của Iran là hành động vĩnh viễn khép lại con đường ngoại giao", Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi tuyên bố trên Twitter.
"Chính quyền tuyệt vọng của ông Trump đang phá hủy cơ chế quốc tế vốn đã được thiết lập để duy trì hòa bình và an ninh thế giới".
Tuyên bố của ông Mousavi được đưa ra sau khi ông Trump ký sắc lệnh hành pháp thông qua quyết định áp cấm vận đối với các quan chức hàng đầu của Iran, trong đó có Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Khamenei và các nhân vật cấp cao trong quân đội. Mục tiêu là ngăn cản họ tiếp cận các khối tài sản tài chính trong quyền hạn của Mỹ.
Washington còn tuyên bố sẽ áp cấm vận nhằm vào Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trong tuần này.
Theo Al Jazeera, quyết định nhắm vào ông Khamenei và các quan chức hàng đầu Iran của ông Trump là động thái chưa từng có tiền lệ của Mỹ nhằm gia tăng áp lực đối với Iran sau khi Tehran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ hồi tuần trước.
Bộ mặt của Cộng hòa Hồi giáo
Phóng viên Dorsa Jabbari của Al Jazeera cho rằng quyết định cấm vận nhằm vào Lãnh tụ Tối cao Iran nhiều khả năng sẽ không gây tác động lớn.
"Ayatollah Ali Khamenei đã không rời Iran hơn 30 năm kể từ khi ông ấy làm Tổng thống hồi 1989. Lần cuối cùng ông ấy rời Iran là để tới công du Trung Quốc vào tháng 4/1989", Jabbari nói.
Tuy nhiên, tuyên bố trừng phạt Ngoại trưởng Iran thì đáng ngạc nhiên. "Jarif là một nhà ngoại giao sống ở Mỹ. Ông ấy ở Liên Hợp Quốc đã nhiều năm. Ông ấy được coi là bộ mặt của nước Cộng hòa Hồi giáo trên trường quốc tế".