Từ khi xảy ra vụ ám sát, Mỹ hiếm khi đề cập đến chuyện ông Soleimani một thời đứng cùng phe Mỹ. Với việc ám sát tướng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã tự lấy đá ghè chân mình, giới quan sát đánh giá.
Ngày 3/1, ông Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Iran al-Quds kể từ năm 1998, thiệt mạng trong một vụ không kích của Mỹ nhằm vào đoàn xe của ông ở sân bay quốc tế Baghdad. Hiện trường vụ việc chỉ cách căn cứ quân sự của Mỹ ở Baghdad vài kilomet, cho thấy ông Soleimani có thể đã cảm thấy rằng ông có thể giữ bí mật chuyến thăm đó, hoặc người Mỹ sẽ không tấn công ông.
Không lâu sau vụ không kích, Lầu Năm góc khẳng định Tổng thống Trump đã hạ lệnh giết tướng Soleimani để “đẩy lui các cuộc tấn công nhằm vào quân nhân Mỹ”.
Điều này bị cho là khác thường: Ông Soleimani không phải lãnh đạo của một tổ chức khủng bố mà là người đứng đầu một lực lượng của nhà nước. Nhưng Mỹ biện minh cho cuộc tấn công bằng cách dẫn ra các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 3/2017 đối với ông Soleimani vì hỗ trợ khủng bố và bán vũ khí của Iran ra nước ngoài.
Từ năm 2011, Mỹ dãn nhãn cho ông Soleimani (cùng một số quan chức khác) là khủng bố, rồi đến tháng 4/2019 dán nhãn cho Lực lượng vệ binh cách mạng Iran là một tổ chức khủng bố nước ngoài.
Soleimani là một nhân vật mang ý nghĩa biểu tượng đối với người Hồi giáo dòng Shi-ite.
Còn người Mỹ coi ông Soleimani là nhân vật dẫn dắt chiến dịch khủng bố quốc tế và gây ra khoảng 20% số người Mỹ thiệt mạng ở Iraq có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến al-Quds và Lực lượng vệ binh cách mạng Iran.
Có quan điểm cho rằng khi đang đối mặt với phiên tòa luận tội, ông Trump hạ lệnh thực hiện cuộc tấn công này để nâng cao vị thế của mình trước cuộc bầu cử 2020 và tạo hình ảnh là một nhà lãnh đạo quyết đoán, dù trong chiến dịch vận động bầu cử 4 năm trước, ông tuyên bố rằng cuộc chiến ở Iraq là “thảm họa” và Mỹ có thể sử dụng hàng nghỉ tỷ đô la Mỹ rót vào đó để tái thiết đất nước.
Nhưng nhiều ý kiến đồng ý rằng kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, ít lực lượng nào có thể thách thức Mỹ như al-Quds và Lực lượng vệ binh cách mạng Iran, hoặc định hình được Trung Đông như ông Soleimani đã làm.
Ông tạo nên “hình bán nguyệt Shi-ite” ở Trung Đông. Trong những năm 1990, ông dẫn dắt lực lượng Hezbollah chống lại sự chiếm đóng của Israel ở miền nam Li-băng. Và ông cùng với tướng Imad Mugniyah, tư lệnh Hezbollah, tiến hành cuộc chiến tranh du kích hiệu quả, khiến Israel phải rút quân khỏi đây vào tháng 5/2000.
Al-Quds cũng gây rắc rối cho Israel bằng việc hỗ trợ các nhóm quân sự Palestine là Hamas và Islamic Jihad. Năm 2003, Mỹ tấn công Iraq, dẫn đến lo ngại rằng Iraq sẽ bị thay đổi chính quyền.
Ông Soleimani sau đó tận dụng lực lượng al-Quds và dân quân Shi-ite để cản trở các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq, rồi sau đó gây áp lực để chính quyền Iraq được Mỹ hậu thuẫn phải từ chối một thỏa thuận nhằm cho phép quân Mỹ ở lại sau năm 2011. Tại Syria, ông Soleimani đi đầu trong chiến dịch quy mô lớn nhằm bảo đảm chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sống sót.
Từng cùng thuyền
Tuy nhiên, ông Soleimani cùng al-Quds và Lực lượng vệ binh cách mạng Iran từng hợp tác với Mỹ trong nhiều dịp.
Trước sự kiện 11/9, Iran hậu thuẫn Liên quân phương Bắc ở Afghanistan để chống lại tổ chức Taliban theo Hồi giáo dòng Sunni. Muốn đánh bại Taliban sau loạt khủng bố 11/9, al-Quds và Mỹ chấp thuận tiếp tục ủng hộ Liên quân phương Bắc và cung cấp bản đồ các căn cứ của Taliban ở Afghanistan.
Ngoài ra, hai bên cũng giúp bao vây và bắt nhiều nhân vật của al-Qaeda ở Iran. Thỏa thuận Bonn vào tháng 12/2001 được Nghị quyết 1383 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thừa nhận cũng là nhờ hỗ trợ ngoại giao đáng kể của Iran, dẫn đến việc ông Hamid Karzai được bổ nhiệm làm tổng thống lâm thời của Afghanistan.
Vào thời điểm đó, có những xì xào ở Iran rằng có lẽ họ nên nghĩ lại quan hệ với Mỹ. Rồi đến tháng 1/2002, Tổng thống Mỹ George W. Bush dán nhãn cho Iran là một phần của “Trục ma quỷ”.
Năm 2006, sau khi Thủ tướng Iraq Ibrahim Al-Jaafari mất ủng hộ, Mỹ bắt đầu rà lại xem họ có còn quan hệ nào với Iran không. Mỹ đã quay lại với Nouri al-Maliki. Ông Soleimani sau đó hoạt động một cách kín đáo để chống đỡ ông al-Maliki.
Ông cũng giúp dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn giữa lực lượng do giáo sĩ Shi-ite cực đoan Moqtada al-Sadr đứng đầu và chính phủ Iraq do Mỹ hậu thuẫn, đồng thời đề nghị ông Sadr dừng tấn công các mục tiêu Mỹ ở Baghdad. Sau đó là cuộc chiến chống lại IS ở một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Iraq sang Syria.
Trong thời gian này, Mỹ và ông Soleimani chiến đấu cùng phe. Ông Soleimani là nhân vật trung tâm trong chiến dịch giành lại TP Tikrit của Iraq vào đầu năm 2015 và đánh bại IS.
Với vị thế và tầm ảnh hưởng chiến lược như vậy của ông Soleimani, không có gì ngạc nhiên khi vụ Mỹ ám sát tướng này vấp phải sự trả đũa của Iran. Những trả đũa do các lực lượng thân Iran ở Trung Đông và đông Địa Trung Hải cũng có thể dự đoán được. Các tên lửa của Iran được phóng đi hôm nay có thể chỉ là khởi đầu, Thiếu tướng nghỉ hưu Ấn Độ Kuldip Singh nhận định trong bài viết vừa đăng trên báo SCMP.