Iran không muốn chiến tranh, nhưng ông Biden cần thay đổi cách tiếp cận

Thanh Bình |

Bloomberg dẫn lời các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ cho rằng, dù các lãnh đạo Iran hứa hẹn trả thù cho vụ ám sát Tướng Qasem Soleimani, Tehran sẽ không muốn để xảy ra xung đột công khai với Washington.

Trong khi đó, theo một quan sát viên của cơ quan này, thực tiễn cho thấy để kiềm chế Iran, các nhà lãnh đạo nước cộng hòa Hồi giáo cần phải tin tưởng vào sự sẵn sàng hành động quyết đoán của người Mỹ để ngăn chặn các cuộc tấn công dưới danh nghĩa trả đũa từ Tehran, do đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ phải duy trì niềm tin này.

Kể từ khi Washington ám sát Tướng Qassem Soleimani của Iran, những lời hứa trả thù Mỹ đã thường xuyên được nghe thấy ở Tehran. Gần đây, những lời đe dọa như vậy tiếp tục được đưa ra vào tuần trước.

Tuy nhiên, theo các quan sát viên của Bloomberg, trên thực tế phản ứng của Iran là khá hạn chế, ngoại trừ khả năng có thể xảy ra vụ tấn công bằng tên lửa vào một căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq như hồi tháng 1.

Iran không muốn chiến tranh, nhưng ông Biden cần thay đổi cách tiếp cận - Ảnh 1.

Quân đội Mỹ tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng phản ứng nếu Iran trả đũa vụ tấn công khiến chỉ huy đặc nhiệm Qassem Soleimani thiệt mạng. (Ảnh: Reuters)

“Lầu Năm Góc cho rằng lý do của hành vi này là do chế độ Iran không muốn tham gia vào một cuộc đối đầu cởi mở với quân đội hùng mạnh nhất thế giới”, Bloomberg nhận định.

Mới đây, người đứng đầu Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ, Tướng Kenneth McKenzie nêu rõ: “Chúng tôi đã chuẩn bị để phòng vệ bản thân, bạn bè và đối tác trong khu vực. Chúng tôi đã chuẩn bị để phản ứng nếu cần”.

Tướng McKenzie cho biết quân đội Mỹ sẽ sẵn sàng cho bất kỳ hành động nào từ phía Iran hoặc những tổ chức vũ trang do nước này ủy nhiệm thực hiện. “Tôi liên lạc với các chỉ huy về khả năng đó mỗi ngày và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ sẵn sàng”, tướng McKenzie nói.

“Vấn đề ở đây rất phức tạp. Một mặt, người Iran không muốn xảy ra sự cố nghiêm trọng trong quan hệ với Mỹ, họ không muốn chiến tranh”, ông McKenzie nói thêm.

“Tướng Soleimani là một chiến lược gia tài năng, người đã chiến đấu trên nhiều mặt trận, kiểm soát một cuộc nổi dậy ở Trung Đông, mà đỉnh cao bao gồm các hoạt động ở Yemen, Iraq, Syria và Lebanon.

Kỹ năng lãnh đạo của Tướng Soleimani đã giúp điều phối cuộc chiến trên nhiều mặt trận và tìm kiếm hành động phối hợp từ các lực lượng nổi dậy”, Bloomberg viết.

Theo ông McKenzie, kể từ sau cái chết của Tướng Soleimani, Mỹ đã chứng kiến ​​sự rạn nứt giữa các lực lượng dân quân Shiite do Iran bảo trợ ở Iraq, một số người thích tuân theo mệnh lệnh không phải từ Tehran mà từ “chính phủ dân cử” của Iraq.

Người đứng đầu Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ cho biết cái chết của Tướng Soleimani đã “làm suy yếu khả năng của Iran trong việc kiểm soát các nhóm này bằng vũ lực”.

Ông Mackenzie nói thêm, mặc dù điều này làm tăng khả năng một số nhóm đã rút khỏi sự phụ thuộc sẽ thực hiện các hành động trái phép, nhưng tần suất các cuộc tấn công của lực lượng dân quân do Tehran hậu thuẫn chống lại Mỹ và các đồng minh đã giảm dần.

“Trong những tháng gần đây, những cuộc tấn công như vậy ngày càng trở nên hiếm hoi”, Tướng McKenzie nhấn mạnh.

Bloomberg cho biết, liên quan đến hoàn cảnh này, một số câu hỏi đặt ra trước Tổng thống đắc cử Joe Biden. Các quan sát viên của Bloomberg nhớ lại, hầu hết các quan chức đảng Dân chủ đều lên án quyết định ám sát Tướng Soleimani của Tổng thống Trump và gọi đó là một hành động khiêu khích liều lĩnh.

Bản thân ông Biden khi đó đã viết trong một bài báo cho tạp chí Foreign Affairs với nội dung cho rằng hoạt động này “đã loại bỏ đi một nhân vật nguy hiểm, nhưng cũng đánh dấu viễn cảnh về một vòng luẩn quẩn cho khu vực với bạo lực leo thang”.

“Vậy liệu Biden có cố gắng tránh một vòng luẩn quẩn như vậy với Iran và nếu vậy, những nỗ lực này có thành công không?”, các quan sát viên của Bloomberg đặt câu hỏi.

Kể từ mùa xuân năm 2019, Iran bắt đầu gia tăng cường độ các cuộc tấn công chống lại các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tấn công tàu chở dầu, cũng như dùng máy bay không người lái tấn công nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia và vài tuần trước khi xảy ra vụ ám sát Tướng Soleimani các nhóm do Tehran bảo trợ đã gây hấn với đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.

“Tuy nhiên, ông Trump luôn tránh các cuộc tấn công vào các mục tiêu bên trong biên giới Iran, vì lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến khác ở Trung Đông. Do đó, trước việc leo thang căng thẳng giữa Mỹ - Iran vào đầu năm, chiến tranh đã không xảy ra mặc dù Iran đã tấn công vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq”, các quan sát viên của Bloomberg giải thích.

“Đây sẽ là bài học quý giá cho chính quyền ông Biden”, các quan sát viên của Bloomberg lưu ý.

Mới đây, Tổng thống Donald Trump cáo buộc Iran chịu trách nhiệm về một loạt vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Iraq và cảnh báo sẽ đáp trả “hành động gây hấn”.

“Đại sứ quán của chúng ta ở Baghdad đã bị trúng vài quả tên lửa hôm 20/12. Đoán xem chúng từ đâu đến: Iran”, ông Trump viết trên Twitter.

“Nếu một người Mỹ bị giết hại, tôi sẽ bắt Iran phải chịu trách nhiệm. Hãy nghĩ kỹ về điều đó. Chúng ta lại nghe thấy có thêm vụ tấn công nhằm vào người Mỹ ở Iraq”, ông Trump đe dọa.

Trước đó, hôm 20/12, hơn 20 quả tên lửa đã được phóng về phía Vùng Xanh, nơi tọa lạc của Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad của Iraq, khiến một người Iraq thiệt mạng và gây thiệt hại cho Đại sứ quán Mỹ.

Không có thương vong liên quan người Mỹ trong cuộc tấn công. The Hill đưa tin, đây là cuộc tấn công bằng tên lửa lớn nhất nhắm vào Đại sứ quán Mỹ ở Iraq kể từ năm 2010 và bị cho là có liên quan Iran.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại