Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố lệnh cấm vận mua bán vũ khí của LHQ nhằm vào nước này đã được dỡ bỏ phù hợp với thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015. Tuyên bố cũng khẳng định, dù rất trông đợi lệnh cấm vận trên được gỡ bỏ, song Iran sẽ không đẩy mạnh việc mua sắm vũ khí gây tốn kém.
Theo tuyên bố, Quân đội Iran được hình thành dựa vào con người và năng lực vốn có của nước này. Các loại vũ khí bị cấm, vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay việc mua bán vũ khí thông thường gây tốn kém “không có chỗ” trong chính sách quốc phòng của Iran.
“Học thuyết quốc phòng của Iran được hình thành dựa trên sự tin tưởng mạnh mẽ vào người dân và năng lực trong nước... Vũ khí không theo quy ước, vũ khí hủy diệt hàng loạt và việc chạy đua mua vũ khí theo quy ước không nằm trong học thuyết quốc phòng của Iran”.
Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là một trong những thành quả của thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Theo nhà lãnh đạo Iran, lệnh cấm vận vũ khí kéo dài nhiều năm này được dỡ bỏ là nhờ vào sự phản kháng của người dân và nỗ lực của các nhà ngoại giao Iran.
Chia sẻ quan điểm này, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif miêu tả sự kiện này là: “Việc bình thường hóa hợp tác quốc phòng của Iran với thế giới ngày nay là một chiến thắng vì mục tiêu đa phương và hòa bình và an ninh trong khu vực của chúng ta”.
Với lệnh cấm vận vũ khí hết hạn, dư luận đang chờ đợi phản ứng và bước đi tiếp theo từ các bên ký thỏa thuận hạt nhân Iran bao gồm 3 quốc gia châu Âu (E3 gồm Anh, Pháp và Đức) cùng với Nga và Trung Quốc.
Trong tuyên bố chung vào tháng 7, 3 nước châu Âu khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Nghị quyết về thỏa thuận hạt nhân, cho rằng dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ có tác động lớn đến an ninh và ổn định khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga sẽ không đối mặt với rào cản pháp lý nào bán các loại vũ khí thông thường cho Iran.
Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, Iran sẽ cố gắng mua báy bay chiến đấu, xe tăng và các trang thiết bị quân sự khác từ Nga. Iran cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy kế hoạch bán vũ khí khi lệnh cấm vận hết hiệu lực.
Tuy vậy, giới quan sát nhận định, với lệnh cấm vận vũ khí hết hiệu lực, tuyên bố chiến thắng của Iran có thể là quá sớm. Iran sẽ không thể tiến hành một cuộc mua sắm vũ khí lớn do một số ràng buộc - bao gồm cả lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Ngay cả Nga và Trung Quốc, hai nước phản đối mạnh mẽ chiến dịch “gây áp lực tối đa” của Mỹ, cũng có khả năng miễn cưỡng bán vũ khí cho Iran.
Trước hết do áp lực từ Mỹ và những cân nhắc lợi ích địa chính trị, bao gồm mối quan hệ giữa hai quốc gia này với các quốc gia Vùng Vịnh. Vì vậy, Nga và Trung Quốc có thể vẫn tổ chức các cuộc đàm phán về vấn đề vũ khí với Iran trong thời gian tới, với khả năng đề cập các thương vụ tiềm năng, nhằm chuyển tải thông điệp tới Mỹ rằng họ coi lệnh cấm vận đã hết hạn.
Tuy nhiên các bước tiến cụ thể sẽ không được công bố cho đến khi kết quả bầu cử Mỹ được ngã ngũ. Cả Trung Quốc và Nga đều có lợi ích địa chính trị đáng kể với các quốc gia vùng Vịnh khác - những nước sẽ không hài lòng với việc tăng cường vũ khí cho Iran.
Trong khi đó, với một nền kinh tế khó khăn do những biện pháp trừng phạt và cả dịch COVID-19 cũng khó để Iran có đủ tiềm lực tài chính đẩy nhanh việc hiện đại hóa hệ thống quốc phòng của mình.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Nga và Trung Quốc không nên coi thường việc tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran mà Washington đã yêu cầu.
Khi được hỏi liệu Mỹ có nhắm vào Nga và Trung Quốc bằng các biện pháp trừng phạt nếu họ từ chối áp dụng lại các biện pháp trừng phạt Iran hay không, Ngoại trưởng Pompeo trả lời: “Hoàn toàn có thể”.
“Chúng tôi đã làm điều đó, đưa ra lệnh trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào vi phạm... Mọi quốc gia đều phải có trách nhiệm. Chúng tôi cũng sẽ làm điều tương tự đối với các lệnh trừng phạt rộng hơn của HĐBA LHQ”, nhà chức trách nhấn mạnh.