Thước phim của Iran
Theo cơ quan truyền thông Tasnim, Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iran (IRGC) đã thành công trong việc ghi lại những hình ảnh do thám của một tàu sân bay Mỹ bằng thiết bị bay không người lái (drone).
Bản báo cáo được tiết lộ kèm theo một đoạn video "cực kì rõ nét" về hình ảnh của những vật thể có trên tàu sân bay Dwight D Eisenhower và một tàu chiến khác của Mỹ ở khu vực vùng Vịnh. Có thể thấy rất nhiều máy bay chiến đấu và một số sĩ quan quân đội Mỹ ở trên tàu.
Tasnim không cung cấp thông tin về thời điểm của những đoạn tư liệu này.
Đây là động thái mới nhất của Iran từ sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố liệt IRGC vào danh sách "tổ chức khủng bố". Iran đã lên tiếng chỉ trích gay gắt và ngay lập tức trả đũa, tuyên bố Mỹ là "quốc gia tài trợ khủng bố" còn quân đội Mỹ là "những nhóm khủng bố".
Drone của Iran ghi lại hình ảnh rõ nét trên tàu sân bay Mỹ
Chiếc drone thực hiện nhiệm vụ là chiếc Ababil-3, có khả năng bay trong 8 giờ, độ cao tối đa là 3,658 mét và phạm vi hoạt động 250 km. Việc drone tiếp cận và ghi lại hình ảnh rõ ràng như vậy được cho là một "cái tát" đau đớn với quân đội Mỹ. Ngoài ra, có khả năng cao IRGC còn thu thập được nhiều thông tin tối mật hơn mà phía Mỹ không hề hay biết.
Phản hồi lại thông tin từ Iran, Trung úy Chloe J Morgan, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Hải quân Mỹ, nói tàu sân bay Eisenhower đã không còn hoạt động ở vùng Vịnh kể từ năm 2016. Trung úy Morgan khẳng định Mỹ và các đồng minh tuân thủ tự do hàng hải ở Eo biển Hormuz.
Có thể thấy, Mỹ đã ngầm thừa nhận sự thành công của nhiệm vụ do thám từ drone Iran và độ xác thực của đoạn video. Phản ứng của Mỹ với đoạn video này cũng không quá gay gắt như một số người dự đoán.
Được biết, gần 1/3 lượng dầu mỏ thế giới đi qua Eo biển Hormuz. Đây là khu vực chứng kiến nhiều cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran, bao gồm cuộc chiến trên biển kéo dài 1 ngày vào năm 1988.
Năm 2016, hải quân Iran cũng ghi lại hình ảnh của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Harry Truman khi tàu này tiến vào vùng Vịnh với nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động không kích chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria.
Vùng biển quan trọng
Trong những năm gần đây, Hải quân Mỹ đã cáo buộc tàu tuần tra Iran dồn ép tàu chiến Mỹ ở các vùng biển.
Chính quyền ông Trump tuyên bố "sẽ không tha cho nước nào" khỏi cấm vận Mỹ nếu các nước đó tiếp tục mua dầu mỏ Iran. Động thái của Mỹ đã trực tiếp gia tăng áp lực lên 5 nhà nhập khẩu lớn nhất của dầu mỏ Iran: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Al Jazeera, ông Trump muốn tăng áp lực tối đa để cắt mọi nguồn thu nhập của Iran từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Mỹ cho rằng Iran đã sử dụng khoản tiền này để gia tăng bất ổn trong khu vực.
Iran tiếp tục đe dọa trả đũa bằng việc đóng Eo biển Hormuz nếu Iran không được sử dụng vùng biển quan trọng ở vùng Vịnh để giao dịch dầu mỏ.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran, ông Abbas Mousavi, nói không có khả năng Iran sẽ đàm phán với Mỹ và sẽ chỉ có một số cuộc đối thoại hạn chế với Ả Rập Saudi.
Tuần trước, phản ứng với lời đề nghị của Đặc phái viên Mỹ tại Iran - Brian Hook - rằng Washington sẵn sàng đạt được thỏa thuận tốt hơn với Tehran, tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố Iran sẽ không nói chuyện "với những kẻ đâm sau lưng".
Trong khi đó, theo ISNA, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói với các phóng viên tại New York rằng "Mỹ không phải là một nhà đàm phán đáng tin cậy".