Ông Putin hồi đáp cuộc gọi từ Iran
Theo hãng thông tấn TASS, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã có cuộc gọi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày 17/4 để thảo luận về tình hình đang ngày một xấu đi ở Trung Đông. Đây là bình luận công khai đầu tiên của ông Putin sau cuộc tấn công của Iran đêm 13/4.
Cơ quan báo chí của Điện Kremlin đã cung cấp nội dung cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo.
Trong cuộc điện đàm, ông Raisi đã nhấn mạnh rằng phản ứng của Tehran đối với Tel Aviv phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời cảm ơn Moscow vì đã có lập trường mang tính xây dựng trước hành động gây hấn của Israel nhằm vào lãnh sự quán Iran tại Damascus ngày 1/4.
Bên cạnh đó, ông Raisi đánh giá cao các nỗ lực ngoại giao của chính phủ Nga nhằm ngăn chặn cái mà Iran gọi là "âm mưu do Mỹ và một số nước phương Tây trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vạch ra".
Về phần mình, Tổng thống Nga lên án hành động gây hấn của Israel nhằm vào lãnh sự quán Iran. Ông đánh giá rằng, hành động này đã đi ngược lại mọi tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế.
"Những gì nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã tiến hành - nhằm đáp trả hành động vi phạm (của Israel) trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không có bất kỳ động thái nào - là cách tốt nhất để trừng phạt phía gây hấn và thể hiện sự khéo léo, hợp lẽ phải trong hành động của các chính trị gia Iran" - Hãng thông tấn Mehr News (Iran) trích lời ông Putin nói trong cuộc điện đàm song phương.
Nhà lãnh đạo Nga đồng thời chỉ trích mạnh mẽ hành động của Mỹ và một số nước phương Tây trong việc khuấy động căng thẳng khu vực.
"Chúng tôi tin rằng Iran là một trong những trụ cột chính phục vụ sự ổn định và an ninh khu vực" - Ông Putin nói.
Đáng lưu ý, theo hãng tin Reuters, cũng trong cuộc điện đàm, ông Raisi đã nói với ông Putin rằng, cuộc tấn công của Iran vào Israel đêm 13/4 có quy mô "hạn chế" và Tehran không muốn leo thang thêm tình hình.
Hồi đáp lại điều này, ông Putin bày tỏ hy vọng rằng tất cả các bên liên quan sẽ cho thấy sự kiềm chế hợp lý, để từ đó ngăn nguy cơ một cuộc đối đầu bùng nổ, gây "hậu quả thảm khốc cho toàn khu vực".
Ông Putin và ông Raisi nhất trí rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng bất ổn ở Trung Đông là do cuộc xung đột chưa được giải quyết giữa Israel và người Palestine.
Về vấn đề này, cả Nga và Iran đều ủng hộ ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, xoa dịu tình hình nhân đạo khó khăn, đồng thời tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị-ngoại giao để ổn định cuộc khủng hoảng hiện nay.
Lộ diện đòn giáng đầu tiên nhằm vào Tehran
Trong bối cảnh Israel dự kiến giáng đòn trả đũa vào Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho biết, Đại sứ quán Nga tại Tehran đã tính đến mọi rủi ro an ninh liên quan tới khả năng Israel tấn công Iran để trả đũa.
"Đại sứ quán của chúng tôi ở Tehran luôn thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh. Tôi chắc chắn những rủi ro hiện tại cũng đã được tính đến" - Ông Rudenko nói.
Tuy nhiên, đòn giáng đầu tiên nhằm vào Tehran chưa chắc đến từ Israel. Theo AP, khi trả lời phóng viên ngày 16/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới nhằm chống lại Iran sau cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel đêm 13/4.
Bà Yellen từ chối tiết lộ những công cụ mà Mỹ sẽ sử dụng trong gói trừng phạt mới, nhưng lưu ý rằng "tất cả các phương án nhằm ngăn chặn hoạt động tài trợ khủng bố của Iran sẽ tiếp tục được cân nhắc".
"Bộ Tài chính (Mỹ) sẽ không ngần ngại làm việc với các đồng minh để có thể sử dụng thẩm quyền trừng phạt của chúng tôi vào mục đích phá vỡ hoạt động gây bất ổn của Iran", bà Yellen nói, "Cuộc tấn công của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Bộ Tài chính trong việc sử dụng các công cụ kinh tế của chúng tôi nhằm chống lại hoạt động xấu của Iran".
Theo bà Yellen, các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran có thể sẽ được áp dụng trong những ngày tới. Bà cho biết, Bộ Tài chính Mỹ thậm chí có thể làm được nhiều thứ hơn nhằm ngăn chặn khả năng xuất khẩu dầu bất chấp các biện pháp trừng phạt của Iran.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU, với 27 quốc gia thành viên, sẽ có mặt tại Brussels trong hai ngày 17-18/4 để tham dự Hội đồng châu Âu đặc biệt.
Theo tờ Politico, sở dĩ gọi là Hội đồng đặc biệt vì các nhà lãnh đạo EU lần này sẽ bàn về cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel và vấn đề Trung Đông, bên cạnh các diễn biến mới tại Ukraine và mối quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, một số quốc gia thành viên EU đã yêu cầu mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Iran để đáp trả cuộc tấn công của Tehran vào Israel, và cơ quan ngoại giao của khối sẽ bắt đầu thực hiện đề xuất này.
"Tôi sẽ gửi tới Cơ quan hành động đối ngoại EU và yêu cầu bắt đầu công việc cần thiết liên quan tới các lệnh trừng phạt này" - Ông Borrell cho hay.
Quan chức EU tiết lộ rằng, đề xuất mới sẽ tăng cường mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế việc Iran cung cấp máy bay không người lái, tên lửa cho Nga, cũng như cho các lực lượng ủy nhiệm của Tehran ở Trung Đông.