Iran dọa đóng cửa eo biển Hormuz: Thảm họa không chỉ với Trung Đông mà cả thế giới

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Ngày 2/5, quyết định của Tổng thống Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ với 8 nước mua dầu mỏ của Iran có hiệu lực. Có nghĩa là từ 2/5, về lý thuyết Iran sẽ không thể xuất khẩu dầu.

Một câu hỏi lớn đặt ra là tình hình sắp tới sẽ diễn biến ra sao?

Đối đầu Mỹ-Iran đang lên đến đỉnh cao

Không khí đối đầu giữa Mỹ và Iran đang leo thang đến đỉnh cao. Tháng 5/2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Tháng 11/2018, Washington tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran, nhưng cho phép tám nước và vùng lãnh thổ được tiếp tục mua dầu Iran gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Italia, Hy Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ. Mới đây, ngày 22/4/2019, Mỹ đã quyết định chấm dứt quy chế này bắt đầu từ 2/5/2019. Điều này có nghĩa là bất cứ nước nào mua dầu của Iran cũng sẽ phải chịu sự trừng phạt của Mỹ và xuất khẩu dầu của Iran sẽ trờ về không.

Ngày 28/4/2019, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Iran, Mohammad Bagheri tuyên bố Teheran không có ý định đóng cửa eo biển Hormuz, trừ phi các thế lực thù địch buộc Iran phải làm điều đó. Nếu tàu Iran vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz bị cản trở thì dầu của các quốc gia khác cũng sẽ không được đi qua eo biển này.

Ông cũng nói thêm rằng tất cả các tàu đi qua đây phải phải tuân thủ các quy định của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) vì eo biển này nằm trong lãnh hải Iran. Cho đến nay, các tàu của Mỹ vẫn tuân theo điều kiện này, bất chấp quyết định của Tổng thống D. Trump đưa IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Các quan chức Iran đã nhiều lần cảnh báo rằng Cộng hòa Hồi giáo có thể đóng cửa eo biển Hormuz. Phó Đô đốc Hải quân lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Ali Reza Tengsiri mới đây tuyên bố: "Eo biển Hormuz là tuyến đường biển quốc tế. Nếu Iran bị cấm, không được sử dụng, chúng tôi sẽ đóng cửa eo biển này, không tàu nào có thể qua lại được. Chúng tôi sẽ bảo vệ lãnh hải của Iran trước tất cả các mối đe dọa."

Thư ký báo chí của Lầu năm góc Bill Urban tuyên bố Mỹ sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ thông thương dầu mỏ trong khu vực, nếu Iran đóng eo biển Hormuz.

Iran chia rẽ thành công Mỹ và EU

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Eo biển Hormuz là tuyến đường thủy quốc tế và các quốc gia nằm sát eo biển này không có quyền ngăn cản tàu chở hàng và tàu chở dầu của các quốc gia khác qua lại đó. Mỹ là nước ngoài khu vực lại càng không có quyền ngăn cản tàu bè các nước khác, kể cả của Iran qua lại eo biển này.

Eo biển tại chỗ hẹp nhất chỉ khoảng 34 km, tàu chở hàng đi qua đây chủ yếu là dầu thô xuất khẩu, có đến 40% lượng dầu mỏ của thế giới được chuyên chở qua con đường này, do đó nó là một vị trí hết sức quan trọng.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, mặc dù Tehran đưa ra những tuyên bố hết sức mạnh mẽ, nhưng Iran không muốn làm trầm trọng thêm quan hệ với Mỹ.

Iran đang giành được những thành công ngoại giao rất quan trọng, đặc biệt trong việc tách khối thống nhất dường như không thể rạn nứt được trước đây giữa Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU).

Khi Mỹ tấn công Serbia, Iraq và Libya.... các nước châu Âu hoàn toàn đứng về phía Washington. Còn bây giờ khi Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, các nước châu Âu lần đầu tiên đã ủng hộ Iran. Đây cũng là lần đầu tiên các nước châu Âu cùng với Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác đã tập hợp trong một mặt trận thống nhất chống lại Washington.

Ngay sau khi D. Trump tuyên bố rút khỏi Thoả thuận hạt nhân Iran tháng 5/2018, ngày 6/7/2018, Bộ trưởng ngoại giao các nước Liên minh châu Âu (EU), Nga và Trung Quốc đã họp tại Vienna khẳng định quyết tâm duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran. Các quốc gia thuộc Liên minh EU đã không mời Mỹ tham dự cuộc họp này. Những người tham gia cuộc họp Vienna đã lên tiếng phản đối chính sách của Mỹ cô lập Iran và bày tỏ mong muốn mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với Tehran.

Một khi EU, Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác ủng hộ Iran, thì Washington khó có thể tìm được lý do để phát động một cuộc chiến tranh chống Tehran. Và trong tình thế như vậy, việc đóng cửa eo biển Hormuz sẽ làm mất đi sự ủng hộ này, không có lợi cho Iran.

Về mặt kỹ thuật, Iran hoàn toàn có thể đóng cửa eo biển Hormuz mà không gặp khó khăn nào. Theo các chuyên gia hàng hải, do mực nước ở đây không sâu và khoảng cách tàu bè có thể qua lại được rất hẹp, nên chỉ cần nhấn chìm một vài con tàu cũ ở đó là xong, không cần phải dùng đến thuỷ lôi.

Tuy nhiên, về chính trị thì không hề dễ dàng. Nếu Iran đóng cửa eo Hormuz, các nước Ả Rập, kể cả những nước có quan hệ tốt với Tehran cũng sẽ chống lại hành động này. Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ tại Trung Đông (CENTCOM) và hạm đội Mỹ đóng ở khu vực vùng Vịnh không thể đứng nhìn hành động này của Tehran mà không có các biện pháp quân sự đáp trả.

Thảm hoạ không chỉ với Trung Đông mà là cả thế giới

Không một nước nào, kể cả Iran và Mỹ không sẵn sàng cho một cuộc chiến như vậy. Một cuộc chiến nổ ra giữa Mỹ và Iran dù ở bất cứ mức độ nào cũng sẽ là tai hoạ không chỉ đối với khu vực mà còn đối với toàn thế giới, kể cả Mỹ. 

Có nhiều mục tiêu của Mỹ trong khu vực nằm trong tầm ngắm của Vệ binh cách mạng Iran. Đáng chú ý nhất là hơn 5.500 quân và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq, các căn cứ không quân và hải quân của Mỹ ở Kuwait, Iraq, Qatar, UAE và Bahrain khoảng 2.000 lính Mỹ ở phía bắc và phía đông Syria.

Iran dọa đóng cửa eo biển Hormuz: Thảm họa không chỉ với Trung Đông mà cả thế giới - Ảnh 3.

Có thể nói eo Hormuz là một trong những động mạch của nền kinh tế thế giới. Hàng ngày có 18 triệu thùng dầu, tức 2/3 nhu cầu dầu của thế giới được vận chuyển qua eo biển này. Các chuyên gia cảnh báo rằng, việc cung cấp dầu mỏ bị gián đoạn sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn không chỉ ở Trung Đông mà còn ở các thị trường năng lượng toàn cầu, dẫn đến tình trạng hoảng loạn trên các sàn giao dịch chứng khoán và giá "vàng đen" sẽ tăng vọt trong thời gian tới.

Trong lịch sử và trong suốt thời gian bị cấm vận, Iran đã nhiều lần đe doạ sẽ đóng eo biển Hormuz, nhưng chưa bao giờ lời đe doạ này được thực hiện. Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù Đại giáo chủ Ali Khamenei đã bổ nhiệm tướng Hossein Salami, người có tư tưởng hết sức cứng rắn trong cuộc đối đầu chống Mỹ và Israel làm Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), nhưng chính quyền Iran hiện nay ít có khả năng đi đến một quyết định như vậy.

Ưu tiên hàng đầu của Tehran hiện nay là giữ được Thoả thuận hạt nhân JCPOA, việc đóng cửa eo Hormuz có nghĩa là JCPOA cũng sẽ không còn nữa. Điều này hoàn toàn không có lợi cho Iran. Có nhiều ràng buộc lẫn nhau, eo biển Hormuz khó có khả năng bị đóng cửa. Tất nhiên, không thể loại trừ bất cứ khả năng nào nếu Iran bị dồn vào bước đường cùng.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại