Phương thức tác chiến bằng UAV
Hồi tháng 1, một nhóm chỉ huy quân sự cấp cao đã tập trung tại căn cứ không quân ở Yemen. Nơi này cách xa tiền tuyến của cuộc nội chiến đang diễn ra.
Sau đó bất ngờ một chiếc máy bay không người lái (UAV) xuất hiện trên bầu trời và phát nổ, những mảnh bom văng vào nhóm chỉ huy. Theo các báo cáo, vụ nổ đã khiến một số chỉ huy thiệt mạng, trong đó có người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự của chính phủ Yemen.
"Điều đó khá đáng sợ bởi rõ ràng họ không hề hay biết chuyện gì đã diễn ra" – Nick Waters, nhà nghiên cứu hợp tác với nhóm điều tra trực tuyến Bellingcat tại Anh cho biết. Ông Waters đã theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột tại Yemen.
Máy bay không người lái không phải là vũ khí mới mẻ ở Trung Đông. Các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ đã sử dụng phương tiện không người lái trong khu vực trong hơn 1 thập kỷ.
Tuy nhiên, các loại UAV với kích cỡ nhỏ hơn đang bắt đầu trở nên phổ biến, chúng đang dần tìm được một vai trò trên chiến trường.
Theo ông Waters, đây là dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy một kỷ nguyên mới của tác chiến không người lái.
Xác một chiếc UAV của Houthi được trưng bày ở Washington. Ảnh: AFP
Chiếc UAV trong vụ việc hồi tháng 1 được triển khai bởi nhóm nổi dậy Houthi – lực lượng đang kiểm soát phần lớn Yemen và có mối quan hệ hợp tác với Iran.
Waters cho biết chiếc UAV đó được gắn thuốc nổ ở phía trước và một cánh quạt ở phía sau. Nó bay theo lộ trình được lập trình sẵn, sử dụng hệ thống dẫn đường GPS.
"Mặc dù có thiết kế khá đơn giản nhưng nó (UAV) có thể rất hiệu quả" – ông Waters nói.
Trong những tuần gần đây, Houthi đã đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng những UAV cỡ nhỏ này. Chúng đã tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Saudi Arabia, trong đó có các đường ống dẫn dầu và sân bay. Chủ Nhật tuần trước, truyền thông Saudi cho biết họ đã đẩy lùi cuộc tấn công mới nhất nhằm vào một sân bay gần biên giới với Yemen.
Theo nhà phân tích Nicholas Heras tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, những UAV cỡ nhỏ do Houthi triển khai sẽ gây ra nhiều vấn đề lớn đối với các lực lượng quân sự quy ước.
"Chúng rất khó ngăn chặn bởi chúng không phát ra nhiều tín hiệu radar và bay tương đối thấp", ông Heras cho hay, "Bên cạnh đó, bằng cách sử dụng GPS, chúng có thể thâm nhập qua những lỗ hổng của hệ thống phòng không".
Theo chính phủ Mỹ và một số nhà nghiên cứu độc lập, một số công nghệ UAV mà Houthi sử dụng dường như đến từ nhà bảo trợ chính của họ trong khu vực, đó là Iran.
Công nghệ UAV của Iran
Iran bắt đầu phát triển UAV từ những năm 1980. Giáo sư Gawdat Bahgat tại Đại học Quốc phòng Quốc gia cho biết, dự án này được khởi xướng một phần là do Iran phải hứng chịu nhiều cấm vận khác nhau về vũ khí và lực lượng không quân của họ đã trở nên lạc hậu.
"Trong bối cảnh này, UAV là vũ khí hoàn hảo", ông Bahgat nói, "Chúng mang lại sức mạnh trên không chỉ với ‘một phần chi phí dành cho máy bay chiến đấu’".
Vì thế, các kỹ sư Iran đã bắt đầu thiết kế và chế tạo UAV nội địa, Heras cho biết, những UAV này được phân thành hai nhóm: một nhóm là các UAV tiên tiến được các phi công dưới mặt đất điều khiển từ xa, và nhóm còn lại là các UAV có thiết kế đơn giản hơn, sau này chúng được cung cấp cho Houthi.
Iran giữ kín công nghệ UAV cho tới vài năm trước, khi IS bắt đầu xâm chiếm vùng lãnh thổ xung quanh.
"Sự trỗi dậy của IS tại Iraq và Syria là động lực chính khiến Iran bắt đầu triển khai UAV nội địa ra bên ngoài biên giới của họ" - Ariane Tabatabai, chuyên gia khoa học chính trị tại tổ chức tư vấn RAND nhận định.
Binh lính Iran vác xác chiếc UAV được sử dụng trong cuộc tập trận phòng không. Ảnh: AP
Trên thực tế, cuộc nội chiến tại Syria là bãi thử nghiệm UAV dành cho rất nhiều phía trong cuộc xung đột. Israel đã từng triển khai UAV săn lùng các hệ thống phòng không của Syria. Trong khi đó, Nga đã thử nghiệm công nghệ UAV mới nhất của họ. Thậm chí IS đã sử dụng các loại UAV thương mại để ném lượng bom nhỏ xuống đối thủ.
Nhiều mẫu UAV của Iran chứa công nghệ nằm ở khoảng giữa các loại vũ khí tiên tiến của nhiều nước lớn và loại công nghệ có sẵn trên thị trường mà IS sử dụng. Ali Vaez, chuyên gia về Iran tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (nghiên cứu về xung đột) cho biết, Iran rất giỏi trong việc nâng các loại UAV rẻ tiền lên một cấp độ mới.
Những loại UAV này rất phù hợp với chiến lược quốc phòng toàn diện của Iran, đó là sử dụng phương thức tác chiến phi đối xứng và lực lượng ủy nhiệm để đánh bại đối thủ từ vị trí cách xa biên giới của họ.
Ông Vaez không mấy ngạc nhiên với bằng chứng gần đây cho thấy Iran không chỉ cung cấp UAV, mà còn chia sẻ công nghệ UAV cho các nhóm đối tác, chẳng hạn như Houthi để họ có thể tự chế tạo UAV.
"Thay vì đưa sẵn con cá cho các đối tác và lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, Iran dạy họ cách sử dụng cần câu" – ông Vaez nói.
Chuyên gia Heras cũng đồng tình với nhận định đó: "Những UAV này rất dễ phối hợp, dễ điều khiển và có tác dụng trên chiến trường. Chúng nhằm gieo rắc nỗi kinh hoàng cho đối thủ, đồng thời cho thấy Iran và mạng lưới ủy nhiệm của họ có thể tấn công đối thủ bất cứ ở đâu".
Ông Heras lo ngại rằng Iran có thể dùng những UAV đó trong cuộc xung đột với Mỹ. Mặc dù vẫn còn rất thô sơ nên không thể gây ra nhiều thiệt hại trực tiếp cho Mỹ nhưng chúng có thể được sử dụng để đánh lạc hướng.
Chẳng hạn, một bầy UAV có thể làm choáng ngợp các hệ thống phòng thủ, tạo ra lỗ hổng cho các loại vũ khí mạnh hơn như tên lửa chống tàu/đạn đạo hành động.
"Iran muốn dùng những UAV này tại vịnh Ba Tư như những con mực", ông Heras nói, "họ muốn bơm thật nhiều mực vào nước, khiến đối thủ khó quan sát, khó hoạt động và trở nên hỗn loạn hơn".
Chuyên gia Waters cho rằng, phương thức tác chiến bằng UAV công nghệ thấp đã trở nên phổ biến. Các loại UAV cỡ nhỏ đã xuất hiện tại nhiều vùng xung đột, từ Ukraine tới Philippines.
"Những thứ này đang trở nên phổ biến, đơn giản vì khả năng mà chúng mang lại thực sự rất có tác dụng, trong khi lại không hề đắt đỏ", ông Waters nói, "nếu tôi muốn khởi xướng một cuộc nổi dậy, hoặc bắt đầu xây dựng lực lượng phiến quân quy mô nhỏ, một trong những điều đầu tiên tôi sẽ làm là mua UAV".
Iran tập trận với máy bay không người lái