Mục tiêu Iran ở Syria liên tiếp bị Israel tấn công hủy diệt
Iran và Israel từ lâu đã là kẻ thù truyền kiếp. Gần đây, căng thẳng giữa 2 quốc gia được coi là hùng mạnh nhất Trung Đông lại tiếp tục tăng cao khi nhiều mục tiêu của Iran ở Syria bị Israel tấn công hủy diệt.
Điều đáng nói là Nga dường như mặc kệ cho Israel tấn công các mục tiêu của Iran, thậm chí có nguồn tin cho rằng Moscow đã "bật đèn xanh" để Không quân Do Thái tự do hành động quân sự chống Iran ở Syria mà không hề can thiệp.
Trong khi đó, phòng không Syria chịu trách nhiệm bảo vệ các mục tiêu này lại không hoàn thành nhiệm vụ, liên tiếp để tên lửa Israel lọt lưới đánh trúng và hủy diệt các lực lượng Iran.
Phòng không Syria chiến đấu kém một phần nguyên nhân chính là do Israel quá tinh ranh, giữ thế chủ động và sử dụng chiến thuật hợp lý khi lợi dụng địa hình núi non hiểm trở, bay thấp kéo cao rồi bất ngờ nã đạn cấp tập khiến tên lửa Syria dù được trang bị khá hiện đại với một số tổ hợp tên lửa hàng đầu thế giới như Buk-M2, Pantsir-S1 chỉ biết bị động đánh chặn.
So sánh các ảnh vệ tinh trước và sau những đòn tập kích của Israel cho thấy hầu hết đều thành công phá hủy các kho tàng, điểm tập trung người và vũ khí trang bị của các lực lượng Iran tại Syria.
Ảnh vệ tinh cho thấy Israel đã hủy diệt thành công 1 trung tâm đầu não của lực lượng đặc nhiệm Quds Iran.
Iran "cay mũi": Có đưa tên lửa phòng không tới Syria?
Gần đây Iran liên tiếp công bố những thành quả của công nghiệp quốc phòng nước này. Họ đã có nhiều bước tiến vượt bậc, đặc biệt là trong công nghệ chế tạo tên lửa phòng không (TLPK), tên lửa đạn đạo, UAV chiến đấu, robot...
Hiệu quả chiến đấu của những tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới "Made in Iran" đã được chứng minh khi ngay lần đầu thực chiến đã bắn hạ ngay 1 chiếc máy bay không người lái tàng hình Global Hawk tối tân trị giá hàng trăm triệu USD của Mỹ.
Các mảnh xác của UAV Global Hawk Mỹ bị tên lửa Iran bắn hạ.
Trước những đòn tấn công hủy diệt của Israel ở Syria, Iran chắc chắn rất "cay mũi" nhưng không thể làm gì được bởi năng lực phòng không của Syria có hạn. Chắn chắn Tehran rất muốn đưa tên lửa phòng không "nhà trồng được" tới chiến trường này tham chiến để tự bảo vệ mình. Tuy nhiên mong muốn này của họ là không thể thực hiện được.
Thứ nhất, chính quyền của Tổng thống Syria Assad không muốn biến đất nước mình thành chiến trường để Israel và Iran "vật nhau" bởi thiệt hại là không thể lường trước được.
Nếu Syria cho phép Iran đưa tên lửa tới tham chiến, chắc chắn Israel sẽ không để yên, họ sẽ "tiên hạ thủ vi cường" truy quét cho bằng hết các tổ hợp TLPK của đối phương trước khi chúng kịp gây tổn hại cho máy bay của Không quân Do Thái.
Nếu tên lửa phòng không Iran tham chiến ở Syria và bắn hạ máy bay Israel, khả năng chiến tranh sẽ lan rộng, châm ngòi cho cuộc chiến "một mất một còn" trên bộ giữa Israel và Iran là rất cao, không chỉ trên đất Syria mà còn ở cả lãnh thổ của 2 quốc gia đối đầu.
Các tổ hợp radar và tên lửa phòng không mới do Iran tự chế tạo.
"Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết", dân thường Syria sẽ phải chịu thảm cảnh đầu tiên, sau đó là tới các quốc gia khác ở Trung Đông. Thậm chí, có thể nổ ra chiến tranh Thế giới 3 nếu các bên không kiềm chế.
Thứ hai, một nguy cơ hiện hữu là rất có thể tên lửa phòng không Iran có thể bắn nhầm vào các mục tiêu cả dân sự lẫn quân sự của Nga, Syria và không loại trừ khả năng sẽ xảy ra một thảm kịch kinh hoàng tương tự như vụ tên lửa Syria bắn nhầm vào máy bay trinh sát IL-20 khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng.
Xác suất để xảy ra sự cố bắn nhầm là không hề nhỏ bởi lẽ giữa Nga-Syria và Iran chưa có cơ chế chia sẻ thông tin tình báo trên không cũng như phối hợp tác chiến.
Bên cạnh đó, các loại tên lửa phòng không do Iran tự chế tạo gần như không thể tự động đồng bộ dữ liệu tổng hợp với các hệ thông trinh sát, chỉ huy của Nga-Syria, do vậy việc phối hợp để tránh bắn nhầm, hỗ trợ, bọc lót cho nhau là hết sức khó khăn.
Thứ ba, cuộc chiến chống khủng bố ở Syria gần như hoàn thành, Nga chắc chắn sẽ không muốn phá bỏ thành quả mà phải mất tới hơn 4 năm cùng biết bao nhiêu tiền của, xương máu của họ mới giành được nếu Syria lại trở thành 1 chiến trường mới cho Iran và Israel đọ sức.
Moscow sẽ là người đầu tiên phản đối việc Iran tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria, đặc biệt là đối với việc xuất hiện các tổ hợp tên lửa phòng không tối tân do Iran chế tạo tại đây. "Gấu Nga" chắc chắn sẽ phải là người chơi chính, không để bất cứ thế lực nào nổi lên chi phối Syria.