Iran cáo già, hạ nhục phòng không Saudi: Mỹ choáng váng, Patriot "thần thánh" mất thiêng?

Lâm Vy |

Các máy bay không người lái và tên lửa- mà nhiều quan chức tin rằng được phóng đi từ phía Iran– có vẻ đã bay thấp sát mặt đất để tránh bị radar và các hệ thống phòng thủ phát hiện.

Mỹ-Saudi choáng váng trước cuộc tấn công

Tờ WSJ dẫn lời giới quan chức Mỹ cho biết, lực lượng quân sự Mỹ-Saudi và các hệ thống phòng không tinh vi của họ đã không phát hiện ra vụ không kích nhằm vào cơ sở dầu mỏ của Saudi, để cho hàng chục UAV và tên lửa đánh trúng mục tiêu.

Saudi và Mỹ tập trung phần lớn hệ thống phòng thủ ở biên giới phía nam của vương quốc này với Yemen, nơi Riyadh đang phải chiến đấu chống lại các phần tử nổi dậy Houthi do Iran hậu thuẫn trong cuộc nội chiến. Tuy nhiên, các cuộc tấn công mới đây được cho là xuất phát từ phía lãnh thổ Iran tại phía bắc vịnh Ba Tư.

Sau khi xem xét các thông tin đến từ Mỹ, Kuwait và cơ quan điều tra trong nước, giới chức Saudi ngày càng tin rằng các UAV và tên lửa trong vụ tấn công đã được phóng đi từ khu vực gần biên giới phía nam của Iran với Iraq. Chúng bay thấp, bám sát mặt đất để lao thẳng vào "trái tim" của ngành công nghiệp dầu mỏ Saudi hôm thứ Bảy vừa qua.

Cơ quan điều tra đã tìm thấy những mảnh vỡ có vẻ mang công nghệ tên lửa hành trình của Iran.

"Mọi bằng chứng đang chỉ thẳng về phía họ" - một quan chức Saudi nói, đề cập tới Iran.

Iran cáo già, hạ nhục phòng không Saudi: Mỹ choáng váng, Patriot thần thánh mất thiêng? - Ảnh 1.

Khói bốc lên tại cơ sở dầu mỏ bị tấn công của Saudi. Ảnh: AP

Các quan chức Mỹ và Saudi đã không lường trước được rằng cuộc tấn công được phát động từ bên trong lãnh thổ Iran, thay vì thông qua một trong những lực lượng ủy nhiệm, hoặc các đơn vị quân sự tin nhuệ của họ.

Hàng tỷ USD "rót" vào vũ khí Mỹ cũng vô dụng

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, các hệ thống phòng không Saudi cũng đang giám sát giao thông hàng hải tại eo biển Hormuz – nơi các quan chức Mỹ cáo buộc Iran bắt giữ tàu chở dầu và triển khai UAV áp sát các tàu chiến Mỹ.

Trước đó, Mỹ đã bán cho Saudi hàng tỷ USD vũ khí, trong đó có các hệ thống phòng thủ tên lửa. Saudi từng dùng hệ thống phòng không Patriot của Mỹ để bắn hạ vũ khí Houthi bắn từ Yemen nhằm vào thủ đô Riyadh của nước này.

Mối đe dọa từ Houthi đã buộc Saudi phải tập trung các hệ thống phòng thủ ở biên giới phía nam với Yemen, để các khu vực khác trở nên sơ hở. Tuy nhiên, họ vẫn gặp nhiều khó khăn khi tác chiến chống mối đe dọa do các cuộc tấn công bằng UAV của Houthi ngày càng tỏ ra hiệu quả hơn.

Sự vắng mặt của chiếc ô phòng không đã khiến sườn phía đông của Saudi phần lớn không được bảo vệ bởi bất kỳ hệ thống phòng thủ nào của Mỹ/Saudi. Điểm mù đó cũng khiến Saudi bị sơ hở trước mối đe dọa, mặc dù nước này đã chi tiêu hàng tỷ USD cho ngân sách quốc phòng thường niên.

Mặc dù Mỹ cũng đã đưa hệ thống tên lửa Patriot của mình tới căn cứ không quân Prince Sultan của Saudi trong năm nay nhưng tổ hợp đó được bố trí để bảo vệ căn cứ (nơi hơn 500 lính Mỹ được triển khai) cùng với khu vực bao quanh nó.

Một số quan chức Mỹ cho biết, hệ thống Patriot tại căn cứ Prince Sultan không nằm trong khu vực có thể ngăn chặn cuộc tấn công hôm thứ Bảy vừa qua.

Iran cáo già, hạ nhục phòng không Saudi: Mỹ choáng váng, Patriot thần thánh mất thiêng? - Ảnh 2.

Tên lửa phòng không Patriot trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: Không quân Mỹ

Những bằng chứng đã thu thập được

Cuộc không kích nhằm vào cơ sở dầu mỏ của Saudi có vẻ xuất phát từ một căn cứ Iran tại vùng phía bắc của vịnh Ba Tư, cách đó hàng trăm dặm. Theo giới quan chức Mỹ, có những dấu hiệu cho thấy hoạt động bất thường tại căn cứ này ngay trước vụ tấn công. Tuy nhiên, họ từ chối cho biết thêm chi tiết.

Tổ chức Houthis đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn cáo buộc Iran mới đích thực là thủ phạm đứng sau.

Trong cuộc tấn công, Iran đã triển khai công nghệ tên lửa tiên tiến hơn trước đây. Một quan chức Mỹ đã mô tả đó là tên lửa có độ cơ động cao, độ bộc lộ thấp hơn nên khó bị phát hiện hơn.

Mặc dù không có bằng chứng giám sát rõ ràng tại cơ sở phóng tên lửa nhưng các quan chức quân sự Mỹ đang kiểm tra bằng chứng mà họ cho rằng có liên quan trực tiếp đến Iran.

Cụ thể, giới quan chức Mỹ đang nắm trong tay hai loại bằng chứng: một là bằng chứng gián tiếp, bao gồm các cuộc liên lạc trước vụ tấn công; Và hai là bằng chứng trực tiếp, tức là các mảnh vỡ của tên lửa, UAV, các hóa chất và dấu vết hư hại sau vụ nổ.

Đoàn quan chức quân sự Mỹ đã tới thăm cơ sở bị tấn công tại Saudi để kiểm tra và thu thập những mảnh vỡ phục vụ điều tra tình báo. Họ cũng tìm được một số bộ phận chính từ ít nhất một quả tên lửa không phát nổ hoàn toàn.

Các nhà điều tra còn tìm thấy mảnh vỡ được cho là liên quan đến công nghệ tên lửa hành trình Iran.

Các cơ quan quân đội và tình báo đã có những cuộc thảo luận về việc giải mật và công bố một phần chứng cứ khiến họ nghi ngờ Iran, nhưng việc này có lẽ sẽ cần nhiều thời gian trước khi Mỹ có thể đưa ra chứng cứ đáng tin cậy nhất.

Bộ Quốc phòng Saudi có kế hoạch công bố bằng chứng sơ bộ trong hôm nay (18/9), khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tới Jeddah để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Saudi và thảo luận về cuộc khủng hoảng.

Iran đã phủ nhận mối liên quan đến vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu mỏ của Saudi và cáo buộc chính quyền Trump phát tán thông tin sai lệch nhằm mục đích làm suy yếu chính phủ Tehran.

Anh và Pháp – hai đồng minh quan trọng của Mỹ - cho biết họ không có bằng chứng nào có thể củng cố cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công.

"Hiện tại, không có bằng chứng nào cho phép chúng tôi (Pháp) kết luận rằng những chiếc UAV trong vụ tấn công đến từ nơi này hay nơi khác" – Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu trong chuyến thăm tới Cairo hôm thứ Ba.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc trao đổi với Thái tử Saudi Mohammed bin Salman và nhất trí điều các chuyên gia Pháp tới tham gia cuộc điều tra.

Chính phủ Đức vẫn giữ lập trường phản đối bất cứ sự leo thang nào và kêu gọi cả hai phía kiềm chế, đồng thời tiến hành các phương thức ngoại giao.

Một quan chức cho biết Berlin đang tiến hành đánh giá riêng để xem phía nào phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công.

Song, họ đã có những nghi ngờ về tuyên bố đầu tiên do tổ chức Houthi tại Yemen (Iran hậu thuẫn) đưa ra, rằng các phần tử Houthi đã triển khai 10 UAV từ Yemen để tấn công cơ sở dầu mỏ của Saudi mà không có hỗ trợ bên ngoài.

Cuộc tấn công làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, dẫn tới nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran.

Hôm thứ Ba, nội các Saudi đã ra thông báo đề nghị cộng đồng quốc tế hỗ trợ đáp trả vụ tấn công. Riyadh không đề cập tới Iran mặc dù đã bác bỏ tuyên bố chịu trách nhiệm của Houthi, khi tổ chức này nói rằng đó là cuộc tấn công trả đũa của họ trong cuộc chiến tranh kéo dài 4 năm với liên minh quân sự do Saudi dẫn đầu.

Trước đó, vào hôm thứ Hai, Riyadh cho biết nước này sẽ đề nghị Liên Hiệp Quốc điều tới các chuyên gia kiểm nghiệm vũ khí để điều tra vụ tấn công, nhưng tính cho tới hôm qua thì việc này vẫn chưa được tiến hành.

Các quan chức Saudi cho hay, họ đã tìm thấy các bộ phận của tên lửa hành trình tại hiện trường vụ tấn công có thiết kế tương tự với một loại vũ khí mới – được gọi là Quds – mà các phần tử Houthi tại Yemen từng dùng để tấn công vào nam Saudi.

Kuwait, quốc gia nhằm phía bắc khu vực bị tấn công, đang điều tra các báo báo về việc một máy bay không người lái đậu tại thành phố Kuwait ngay trước vụ không kích vào Saudi. Đây là một bằng chứng quan trọng để xác định thủ phạm đứng sau vụ tấn công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại