Ngày 2/9, người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei cảnh báo rằng nước này sẽ "có bước đi lớn" ra khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử, có tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã ký năm 2015 với các cường quốc, nếu đến hạn chót vào cuối tuần này châu Âu không đề xuất được các cách thức mới để Iran xuất khẩu dầu mỏ.
Cảnh báo trên của quan chức Tehran đưa ra ít ngày trước thời hạn chót ngày 6/9 tới mà Iran đã đặt ra để châu Âu đề xuất một cách thức giúp nước này bán dầu ra thị trường thế giới trong khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đang "bóp nghẹt" lĩnh vực xuất khẩu quan trọng hàng đầu này của Iran.
Phát biểu tại họp báo ở Tehran, người phát ngôn Rabiei mô tả chiến lược trên là "cam kết đổi cam kết." Ông nhấn mạnh: "Dầu mỏ của Iran phải được bán và tiền phải được trả về cho Iran. Đây chính là nội dung chúng tôi đưa ra đàm phán."
Hiện chưa rõ bước đi tiếp theo của Iran sẽ như thế nào, có thể đến mức tái khởi động các lò phản ứng tiên tiến bị cấm trong thỏa thuận hoặc tăng thêm lượng urani làm giàu hay không. Iran cũng nhấn mạnh rằng các bước mà họ thực hiện đến nay là hoàn toàn có thể đảo ngược.
Iran đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao trong vấn đề xuất khẩu dầu . Mới đây, Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif đi Nga và cấp phó của ông đến Pháp cùng một đội ngũ chuyên gia kinh tế. Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khiến hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) ngạc nhiên khi mời ông Zarif thăm Pháp đúng thời điểm hội nghị đang diễn ra.
Trả lời phỏng vấn hãng tin của Quốc hội Iran (ICANA), Ngoại trưởng Zarif cho biết Iran sẽ thông báo việc thực thi "bước thứ ba" trong một bức thư gửi tới các đối tác châu Âu, nếu các lãnh đạo châu Âu không có các biện pháp cần thiết trước ngày 5/9. Trong hội đàm tại Moskva với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, ông Zarif tái khẳng định rằng "sự sống còn của JCPOA tùy thuộc vào châu Âu."
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi viết trên Twitter cho biết: "Iran sẵn sàng mở ra cơ hội khác cho ngoại giao, cam kết và đối thoại", nhưng nhấn mạnh "các cơ hội trôi đi như những đám mây."
Sau khi quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA, Tổng thống Donald Trump đã áp đặt các trừng phạt mới nhằm kiềm chế xuất khẩu dầu mỏ của Iran và đẩy nền kinh tế nước này vào tình trạng "rơi tự do."
Đáp lại, Iran đã vượt quá giới hạn về làm giàu urani đã thỏa thuận trong JCPOA nhằm gây sức ép để các nước châu Âu sớm tìm một cách thức né trừng phạt của Mỹ. Về lý thuyết, bất cứ ai mua dầu thô của Iran đều có thể trở thành mục tiêu trừng phạt của Mỹ và có thể bị cấm tiếp cận thị trường tài chính Mỹ.
Các cuộc thương lượng đang tiếp tục trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 30/8 thông báo Iran đã gia tăng lượng dự trữ urani làm giàu, và tiếp tục tinh chế chất này vượt mức được cho phép trong thỏa thuận hạt nhân .
Theo IAEA, gần hai tháng sau khi vượt qua hai giới hạn 3,67% được phép trong thỏa thuận, hiện Iran đã tích lũy được 241,6kg urani làm giàu và tăng mức độ làm giàu lên tới 4,5%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 20% mà Iran đạt được vào thời điểm trước khi ký thỏa thuận hạt nhân, và khoảng 90% lượng urani này được coi là nguyên liệu để sản xuất vũ khí.
Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim của Iran dẫn lời nghị sỹ Iran Ali Motahari ngày 1/9 cho biết Pháp đã đề xuất một khoản tín dụng 15 tỷ USD theo 3 giai đoạn để thanh toán trước hóa đơn nhập khẩu dầu mỏ của Iran. Đổi lại, Tehran sẽ ngừng các bước vi phạm và trở lại tuân thủ đầy đủ JCPOA./.