Dùng iPhone, ai cũng biết "tôn chỉ" là luôn bảo vệ đến cùng màn hình, còn nếu sơ suất thôi thì chuyện nứt vỡ xảy ra như chơi, mặc cho Apple vẫn luôn miệng quảng cáo mình dùng công nghệ kính tân tiến nhất.
Vậy mà đến thế hệ iPhone 8/8+/X lần này, ngôi vị cần bảo vệ đó đã nhường lại cho một thứ khác.
Với cái giá lớn nhất của iPhone X đạt tận 1000 USD, lại còn có màn hình toàn mặt trước, chẳng phải đó càng là điều khiến chúng ta phải liên tục cẩn thận trong cách cầm nắm nó hay sao? Không sai, nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ để bạn dám bỏ qua mặt kính phía sau máy được.
Tưởng không vỡ mà vỡ không tưởng
Có một điều bạn phải nắm rõ ngay nếu có ý định mua một trong những chiếc iPhone mới nhất của Apple, đó là mặt kính sau lưng của máy là một trong những thứ mong manh nhất, va chạm nhẹ với bề mặt cứng là đủ để vỡ - được công nhận bởi hàng loạt trang tin như The Guardian, CNET, Forbes...
Hơn nữa, việc sửa chữa mặt kính đằng sau cũng rất khó khăn. Màn hình mặt trước kể cả của iPhone X đi chăng nữa thì độ khó cũng chỉ như những iPhone đời trước, có chăng vì là màn OLED nên giá tăng cao hơn thôi.
Còn mặt kính lưng máy thì được gắn chặt với khung bằng cả keo chống nước lẫn mối hàn, cho nên đến cả chuyên gia cũng phải ái ngại khi động tay vào công việc sửa chữa thay thế chúng.
Kỹ sư Jeff Suovanen tại iFixit - nổi tiếng với chuyên môn về sửa chữa các đồ dùng Apple - cũng đã phải toát mồ hôi hột khi gỡ mặt kính đó ra. Anh mất hơn 1 tiếng dùng cả khí nén lẫn nhiệt độ để tạo được một vết cắt trên mép kính.
Cuối cùng thì anh cũng làm được, nhưng hậu quả là khung camera kép bị long lở tan tành và cả phần mép nối hàn khung máy nữa. Mở ra được là một chuyện, còn ghép lại thì chắc là không thể khi mà nó tan thành vụn như vậy rồi.
Giải pháp khó khăn
Tất nhiên là Apple có giải pháp cho việc bạn muốn sửa chữa khi mặt lưng bị nứt vỡ, nhưng phải là ở Apple Store chính hãng - thứ mà không phải quốc gia nào cũng có. Hơn nữa, giá thành để sửa chữa chúng cũng không phải rẻ rúng gì.
279 USD là số tiền bỏ ra cho việc sửa, thay màn hình mặt trước. Nhưng khi nói đến mặt lưng thì con số đó sẽ là 549 USD (giá gốc tại Mỹ), chưa kể các khoản phụ phí nếu bạn ở xa, có thể lên đến 15 triệu đồng.
Hơn nữa, chúng ta chỉ được hưởng điều này nếu chưa từng đem máy ra các bên sửa chữa ngoài khác, vì chỉ cần phát hiện máy có dấu hiệu sửa trước đó mà không có dữ liệu liên quan của chính Apple, quyền thay sửa kính của bạn sẽ bị tước ngay lập tức.
Tất nhiên là các cửa hàng sửa chữa bên ngoài sẽ luôn quảng cáo là có cách làm vậy, nhưng ai mà biết được chất lượng thực sự của họ như thế nào. Có vẻ như chính khách hàng và người dùng đang là phe yếu thế ở đây rồi!