iPhone đang là “phao cứu sinh” cho nhà bán lẻ Việt trong đại dịch

Hải Đăng |

Nhu cầu mua iPhone bất chấp tình trạng thắt chặt chi tiêu chung của người Việt khiến thị trường bán lẻ công nghệ Việt vẫn có được doanh thu tốt trong đại dịch Covid.

Nhu cầu mua iPhone bất chấp tình trạng thắt chặt chi tiêu chung của người Việt khiến thị trường bán lẻ công nghệ Việt vẫn có được doanh thu tốt trong đại dịch Covid.

Covid-19 ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Tuy vậy, nhu cầu mua iPhone vẫn gia tăng, góp phần vực dậy doanh nghiệp bán lẻ trong đại dịch.

iPhone đang là “phao cứu sinh” cho nhà bán lẻ Việt trong đại dịch - Ảnh 1.

Danh sách những smartphone đóng góp doanh thu lớn nhất cho hai chuỗi bán lẻ FPT Shop và Thế Giới Di Động nửa đầu năm 2021.

ICTnews tổng hợp số liệu từ FPT Shop cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, những sản phẩm đóng góp doanh thu nhiều nhất cho chuỗi bán lẻ này hầu hết là iPhone. Smartphone của Apple chiếm 7/10 mẫu máy mang về doanh thu cao nhất.

iPhone 11, iPhone 12 Pro, iPhone 12 Pro Max là những smartphone đầu bảng đóng góp doanh thu cho FPT Shop.

Trong khi đó, iPhone 12 Pro Max dẫn đầu 10 điện thoại có doanh thu cao nhất tại Thế Giới Di Động. iPhone 11 xếp ở vị trí thứ sáu.

Apple cũng chiếm 4/10 mẫu smartphone bán chạy nhất tại chuỗi Cellphone S nửa đầu năm nay, với iPhone 12 Pro Max nằm ở vị trí đầu bảng.

Theo một báo cáo của GfK, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ gần 100.000 chiếc iPhone với giá trị khoảng 2.500 tỷ đồng chỉ trong tháng 5. Trong đó, iPhone 12 Pro Max - với giá từ 29 triệu đồng đến 40 triệu đồng - bán chạy nhất.

Dòng iPhone mới ra của Apple, cùng với iPhone 11 và những máy trước đó, đã góp phần lớn trong tăng trưởng doanh thu của nhà bán lẻ lẫn công ty phân phối trong năm 2021.

Chuỗi Thế Giới Di Động (không tính Điện máy Xanh) bắt đầu giảm tăng trưởng kể từ tháng 2/2020. Điều này do thị trường điện thoại nói chung đã bão hoà, tăng trưởng âm so với trước.

Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ đầu 2020 cũng tác động một phần đến việc chi tiêu của khách hàng, nhất là các sản phẩm không thiết yếu như smartphone. Năm ngoái, mảng điện thoại và hàng điện tử của toàn tập đoàn tăng trưởng âm so với 2019.

Tuy vậy, kết quả kinh doanh của công ty khởi sắc kể từ tháng 4, kéo dài đến tháng 5 năm nay. Lần đầu tiên sau hơn một năm, chuỗi Thế Giới Di Động (không tính Điện máy Xanh) tăng trưởng dương trong báo cáo kết quả kinh doanh hai tháng gần đây. Trong cả hai báo cáo gần nhất, tập đoàn này đều đánh giá ngành hàng điện thoại ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số nhờ sự đóng góp tích cực của sản phẩm iPhone.

Digiworld - một trong 3 nhà phân phối hàng công nghệ lớn tại Việt Nam - cũng ghi nhận sự đóng của Apple.

Quý 1/2021, doanh thu và lợi nhuận của nhà phân phối này tăng cao nhất từ trước đến nay. Tăng mạnh nhất là mảng điện thoại di động, đạt 148%, nhờ Apple (và Xiaomi). Ngoài ra, máy tính bảng và máy tính cũng tăng 74%, có sự đóng góp của Apple.

Sự gia tăng nhu cầu của iPhone 12 nói chung và smartphone Apple nói riêng có một số nguyên nhân chính.

Đầu tiên, sau một thời gian dài không thay đổi về thiết kế, dòng iPhone 12 đã thay đổi mạnh để có vẻ ngoài mới mẻ hơn. Bên cạnh đó, nhiều tính năng mới cũng được đưa vào, làm gia tăng sức hút cho dòng sản phẩm.

Hồi cuối năm 2020, thị trường bán lẻ trong nước chứng kiến người dân xếp hàng giữa đêm để chờ mua iPhone 12 - điều đã từ vài năm nay chưa smartphone nào làm được.

iPhone đang là “phao cứu sinh” cho nhà bán lẻ Việt trong đại dịch - Ảnh 2.

Một nghệ sĩ trong nhóm xếp hàng mua iPhone 12 Pro Max cuối năm 2020. (Ảnh: Hải Đăng)

Tiếp đó, Nghị định 98/2020/NĐ-CP ảnh hưởng lên thị trường iPhone xách tay. Căn cứ theo nghị định này, nếu những chiếc iPhone xách tay không có đủ hóa đơn và chứng từ hợp pháp, dân buôn sẽ phải đối mặt với mức tiền phạt lớn. Do đó, rất nhiều người e dè nhập hàng, khiến các nhà bán lẻ chính thống hưởng lợi.

Đó là chưa kể, dịch bệnh lan nhanh toàn cầu khiến nhiều tuyến vận chuyển bị đứt mạch. Chỉ những đơn vị nhập hàng chính ngạch mới nhận được sự hỗ trợ thông quan dễ dàng.

Ngoài iPhone, một số mặt hàng điện thoại và phụ kiện cũng ghi nhận tăng trưởng trên nền tảng thương mại điện tử. Thống kê của Tiki, Lazada, Shopee đều cho thấy điện thoại và phụ kiện được mua nhiều trong đại dịch, bên cạnh các mặt hàng thiết yếu khác.

Ngoài điện thoại, ngành hàng laptop đóng góp lớn cho các nhà bán lẻ năm vừa qua và nửa đầu năm nay. Mặt hàng này luôn tăng trưởng hai con số do nhu cầu mua sắm phục vụ làm việc, học tập từ xa trong dịch Covid-19.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại