iPhone có thể đưa bạn lên mặt trăng không? Hóa ra chiếc smartphone trong túi bạn lại mạnh mẽ đến như vậy

Bảo Nam |

Với công nghệ hiện có ngày hôm nay, Neil Armstrong và các đồng nghiệp có thể đã có một chuyến đi dễ dàng hơn nhiều so với năm 1969.

Du hành gia Neil Armstrong có một câu nói nổi tiếng sau khi bước đi trên Mặt trăng: "Đây là bước đi nhỏ bé của một con người, nhưng lại là bước tiến khổng lồ của nhân loại".

Cho tới tận ngày nay, sự kiện này vẫn là một trong những thành tựu hàng đầu của loài người. Bất chấp những tiến bộ công nghệ đã thay đổi nhanh chóng kể từ ngày đó, các phi hành gia vẫn không thực sự trở lại Mặt trăng kể từ năm 1972.

Điều này có vẻ khá bất ngờ. Bởi hiện tại, chúng ta có những cỗ máy hiện đại và có khả năng tính toán hơn rất nhiều lần so với chiếc máy tính trên tàu Apollo 11. Thậm chí, ngay cả chiếc iPhone trong túi của bạn của mạnh hơn nó.

Trên tàu Apollo 11 đã đưa Neil Armstrong lên Mặt trăng là một máy tính có tên Apollo Guidance Computer (Máy tính hướng dẫn Apollo). Nó có 2048 "word" trong bộ nhớ có thể được sử dụng để lưu trữ kết quả tạm thời, giúp dữ liệu không bị mất khi không có điện. Loại bộ nhớ này ngày nay được gọi là RAM. Mỗi "word" bao gồm 16 chữ số nhị phân (bit), với một bit là 0 hoặc 1. Điều này có nghĩa là máy tính trên tàu Apollo có bộ nhớ RAM là 32.768 bit.

Ngoài ra, nó có 72KB bộ nhớ chỉ đọc (ROM), tương đương với 589.824 bit. Bộ nhớ này được lập trình và không thể thay đổi một khi nó đã được hoàn thành.

iPhone có thể đưa bạn lên mặt trăng không? Hóa ra chiếc smartphone trong túi bạn lại mạnh mẽ đến như vậy - Ảnh 1.

Điện thoại trong túi bạn còn mạnh hơn nhiều lần chiếc chiếc máy tính đã đưa con người lên Mặt trăng năm 1969.

Một ký tự theo thứ tự trong bảng chữ cái - giả sử là A hoặc B - thường yêu cầu được lưu trữ bởi 8 bit. Điều đó có nghĩa là máy tính Apollo 11 sẽ không thể lưu trữ, ít nhất là bài viết này, trong 32.768 bit RAM. So sánh điều đó với điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc MP3 ngày nay, bạn có thể nhận ra sự khác biệt bao nhiêu. Thiết bị trong túi bạn có thể lưu trữ cả nghìn email, bài hát và ảnh.

Cụ thể hơn, điện thoại ngày nay thường có 4GB RAM. Đó là 34.359.738.368 bit. Bộ nhớ RAM này nhiều hơn 1 triệu lần (chính xác là 1.048.576) so với máy tính trên tàu Apollo. Các mẫu iPhone cao cấp nhất ngày nay có thể sở hữu đến 512GB bộ nhớ ROM. Đó là 4.398.046.511.104 bit, gấp 7 triệu lần so với chiếc máy tính hướng dẫn Apollo.

Nhưng đó không phải là điều quan trọng duy nhất. Máy tính Apollo 11 có bộ xử lý - một mạch điện tử thực hiện các hoạt động trên các nguồn dữ liệu ngoài - chạy ở mức 0,043 MHz. Còn bộ xử lý mới nhất của iPhone được ước tính chạy ở mức khoảng 2490 MHz. Apple không quảng cáo về tốc độ xử lý, nhưng những người khác đã tính toán con số này. Điều này có nghĩa là iPhone trong túi của bạn có sức mạnh xử lý hơn 100.000 lần so với chiếc máy tính đã giúp đưa con người lên Mặt trăng cách đây 50 năm.

iPhone có thể đưa bạn lên mặt trăng không? Hóa ra chiếc smartphone trong túi bạn lại mạnh mẽ đến như vậy - Ảnh 2.

Chiếc máy tính trên tàu Apollo 11.

Giờ hãy đặt giả thuyết ngược lại, nếu Apollo 11 được phóng lên bằng một máy vi tính hiện đại ngày nay thì sao?

Đầu tiên các phần mềm sẽ được viết ra nhanh hơn, thông qua việc sử dụng các công cụ phát triển phần mềm hiện có ngày nay. Các lập trình viên năm 1969 sẽ mất ít thời gian để viết, gỡ lỗi và kiểm tra các đoạn mã (code) phức tạp.

Giao diện người dùng ngày đó chỉ là giao diện máy tính trong đó các lệnh phải được nhập bằng mã số. Còn giao diện máy tính ngày nay dễ sử dụng hơn rất nhiều. Điều này có thể vô cùng quan trọng trong tình huống đột ngột phát sinh. Người điều khiển tàu vũ trụ thậm chí có thể sử dụng các lệnh vuốt trên màn hình cảm ứng. Nếu điều đó là không thể, do Neil Armstrong phải đeo găng tay chẳng hạn, giao diện vẫn có thể hiểu lệnh thông qua ngôn ngữ cử chỉ, chuyển động của mắt hoặc một thứ gì đó tương tự.

Tuy nhiên, vẫn có một điều không thể thay đổi, đó là tốc độ giao tiếp với Trái đất. Thời gian thực tế cần thiết để liên lạc trong ngày hôm nay vẫn sẽ giống như năm 1969, tức là phải mất 1,26 giây để một tin nhắn được truyền từ Mặt trăng đến Trái đất. Nhưng, ngày nay con người có thể truyền các tệp tin lớn hơn và công nghệ máy ảnh sẽ mang lại các bức hình đẹp rõ nét, dù sẽ mất nhiều thời gian hơn để truyền tải.

Nhưng có lẽ, thay đổi lớn nhất sẽ là việc những chiếc máy vi tính thông minh sẽ giúp việc hạ cánh trở nên an toàn và dễ dàng hơn so với những gì chiếc máy tính trên tàu Apollo 11 có thể làm vào năm 1969. Đây có thể là mong mỏi lớn nhất của các phi hành gia. Armstrong đã nói rằng, trên thang điểm đáng lo ngại từ 1 đến 10, thì việc đi bộ trên mặt trăng có thể coi là 1. Nhưng việc hạ cánh là khoảng 13.

Dù sao chăng nữa, chúng ta không thể phủ nhận sự phi thường của việc đưa con người lên Mặt trăng vào năm 1969, với sự hạn chế của sức mạnh tính toán tại thời điểm đó. Đây thực sự là một thành tích rất đáng nể.

Tham khảo Independent

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại