Android Tablet OS?
Nhìn từ nhiều góc độ, sự kiện ra mắt iPad OS chính là lời khẳng định chắc nịch về vị thế thống trị của Apple trên thị trường tablet. Ngay cả khi iPhone bị smartphone Android đè bẹp về thị phần, Apple vẫn dễ dàng đứng đầu thị trường tablet toàn cầu với doanh số gần gấp đôi kẻ đứng thứ 2 là Samsung.
Thậm chí, trong top 5 còn có một nhà sản xuất tablet Android không dùng Android-của-Google: Amazon với những chiếc Fire bán lấy... lỗ.
Tương tự như với smartwatch hay TV, tablet cho thấy vị thế của Android trên điện thoại chẳng thể lan tỏa ra các lĩnh vực khác. Trong trường hợp này, Google bị đánh bại bởi một đối thủ có mức giá trung bình cao hơn hẳn. Và nay, đối thủ đó còn sát muối vào vết thương của Google bằng cách tung ra một hệ điều hành riêng, (tương đối) độc lập dành cho tablet.
Giao diện tệ hại, kém tối ưu đã khiến Android không thể thành công trên tablet.
Rõ ràng chú robot xanh không thể đi theo hướng đi tương tự. Một trong những lý do khiến cho Android không thu hút người dùng trên tablet là bởi giao diện quá dở: phần lớn các nhà sản xuất/nhà phát triển không dành thời gian tối ưu phần mềm mà chỉ tái sử dụng những gì đã tạo ra trên smartphone.
Tách riêng hệ điều hành cho tablet ra khỏi hệ điều hành cho smartphone sẽ càng khiến sự chia rẽ này trở nên sâu sắc hơn. Công sức các nhà phát triển phải bỏ ra cho ứng dụng tablet Android sẽ càng lớn, và họ sẽ càng bỏ bê những chiếc máy tính bảng chạy hệ điều hành của Google.
Apple có đầy đủ lý do
Cũng giống như Microsoft hay Ubuntu, Google cố đem một hệ điều hành thành công mở rộng ra các loại hình thiết bị mới. Chỉ có riêng Apple là đi theo hướng ngược lại: với iPadOS, Apple nay đã nắm trong tay... 6 hệ điều hành chuyên biệt cho từng chủng loại thiết bị. Google cố vun vén vào, Apple có tách biệt ra.
iPadOS là lời hứa rằng, trải nghiệm tablet Apple thậm chí sẽ còn riêng biệt hơn nữa so với trải nghiệm smartphone Apple.
Bởi Apple có đầy đủ lý do để đưa iPad và iPhone ngày càng xa rời nhau về mặt trải nghiệm. Một phiên bản iPad OS độc lập sẽ khiến nhà phát triển tốn công, nhưng họ thực sự chẳng có lựa chọn nào khi Apple nắm trong tay khối người dùng dư dả nhất. Để phục vụ khối "thượng đế" này, 2 trải nghiệm tối ưu riêng biệt cho smartphone và tablet là cần thiết.
Ví dụ, iPhone cũng vừa đi một giai đoạn thay đổi lớn khi loại bỏ nút Home. Vai trò của các cử chỉ cảm ứng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trên trải nghiệm smartphone của Táo. Trên một màn hình lớn như iPad, các cử chỉ này sẽ không thực sự phù hợp - bởi người dùng sẽ phải di chuyển tay quá nhiều.
Không cần đếm xỉa tới Google
Google liệu có thể bám theo Apple, tạo ra một trải nghiệm riêng cực kỳ tối ưu cho Apple?
Ở phía ngược lại, không phải đến 2019 Apple mới nhận ra rằng tiềm năng của iPad không nên bị giới hạn vào những tính năng chia sẻ cùng iPhone. Năm 2017, iOS 11 ra mắt với lời quảng bá "bước tiến lớn cho iPhone, bước đại nhảy vọt cho iPad".
Trên phiên bản này, Apple tung ra nhiều tính năng dành riêng cho iPad: dock mở ứng dụng mới, màn hình đa nhiệm mới, cơ chế nhập số mới ("kéo" phím chữ thay vì phải mở bàn phím số)...
Trước đó, trên iOS 9, Apple đã ra mắt nhiều tính năng đa nhiệm, bao gồm chia đôi màn hình hay hiển thị khung video trên màn hình các ứng dụng khác.
iPadOS ra mắt là dấu mốc cho thấy iPad và iPhone sẽ trở nên cực kỳ tách biệt. iPhone sẽ không chạy iPadOS, và bởi thế iPhone sẽ không hỗ trợ chuột, sẽ không mở rộng được bộ nhớ qua USB, sẽ không có widget trên màn hình Home, sẽ không mở được ứng dụng trong một cửa sổ nhỏ bên góc phải màn hình...
Thậm chí, iPhone có lẽ sẽ chẳng bao giờ được tương thích với bút Pencil.
Không, bởi Google đã bỏ phát triển tablet mới từ tận 2015 rồi!
Thông điệp của Apple là rất rõ ràng: iPad thực sự không còn là phiên bản cỡ lớn của iPhone nữa. Sẽ không còn sự cạnh tranh "ngầm" giữa iPad và smartphone cỡ lớn. iPad sẽ mở rộng để cạnh tranh trực tiếp với những chiếc PC.
Chứ chẳng phải là để cạnh tranh với tablet Android, vì ngay đến Google còn bỏ không làm tablet nữa rồi mà...