(Đồ hoạ: Thanh Trà/Vietnam+)
Lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng tối đa 75%. So với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng bảo hiểm xã hội là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%.
Lao động nam nghỉ hưu năm 2018 muốn được hưởng tối đa 75% phải đủ 31 năm đóng bảo hiểm xã hội, nghỉ hưu năm 2019 phải có đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải có đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75%.
So với trước năm 2018 thì chỉ cần có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội là lao động nam được hưởng tỷ lệ tối đa 75%.
Theo một số chuyên gia, việc kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội cùng với việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội có thể sẽ giúp tăng mức lương bình quân để tính lương hưu.
Mặc dù tỷ lệ hưởng giảm nhưng người lao động vẫn có thể sẽ hưởng lương hưu ở mức cao hơn.
Theo báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 10/2017, cả nước có tới hơn 3.200 người lao động hưởng lương ở mức bằng hoặc thấp hơn mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng.
Người có mức lương hưu cao nhất ở Việt Nam là hơn 101 triệu đồng/tháng./.