TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản.
Còn RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực) là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác toàn diện giữa khối ASEAN với 6 đối tác, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, và Ấn Độ, còn được gọi là ASEAN + 6.
Mỹ là động lực chính của TPP và không có Trung Quốc. RCEP được Trung Quốc hỗ trợ tích cực và không có Mỹ.
Theo số liệu của Viện kinh tế Brookings, cả hai hiệp định có quy mô gần tương đương. Các nước thành viên TPP chiếm 37,5% GDP của thế giới và 26% thương mại toàn cầu trong khi các nước RCEP chiếm 30,5% GDP thế giới và gần 28% thương mại toàn cầu.
Sự khác nhau cơ bản giữa RCEP và TPP là RCEP chỉ bao gồm những vấn đề cơ bản như hàng hoá, dịch vụ, đầu tư và tranh chấp thương mại. Nó không đề cập đến những vấn đề như môi trường, lao động, vệ sinh dịch tễ như TPP.
Trong bối cảnh RCEP đang được nhắc tới nhiều nhất như một thỏa thuận thay thế cho TPP khi Mỹ rút khỏi, thì cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's cho rằng thỏa thuận thương mại tiềm năng này không mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế như TPP.
Ngân hàng HSBC thì cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ hiệp định RCEP trong khu vực. Việt Nam sẽ tham gia vào các thỏa thuận mới và sẽ thấy những lợi ích đáng kể đến từ việc nguồn cung ứng sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc tăng lên.