Bộ trưởng Đầu tư Indonesia, ông Bahlil Lahadalia cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh, dòng vốn FDI vào Indonesia năm 2022 vẫn tăng 44,2% so với một năm trước.
Theo đó, Indonesia là một trong những quốc gia có tốc độ tăng FDI cao nhất thế giới nhờ sự ổn định chính trị cũng như các chính sách hỗ trợ đầu tư nước ngoài của chính phủ.
Năm 2022, tổng đầu tư trong nước và nước ngoài của Indonesia đạt hơn 84 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra và đã tạo ra hơn 1,3 triệu việc làm mới trên khắp Indonesia. Trong đó , dòng vốn FDI vào Indonesia đạt 45,6 tỷ USD, chiếm 54,2% tổng đầu tư tại Indonesia năm 2022 .
Tại Indonesia, các ngành công nghiệp kim loại, máy móc và thiết bị nhận được nhiều vốn FDI nhất, lên tới 10,96 tỷ năm 2022. Tiếp theo là các lĩnh vực khai khoáng (5,1 tỷ USD); hóa chất và dược phẩm (4,5 tỷ USD); vận tải và viễn thông (4,1 tỷ USD); cung cấp điện, khí đốt, nước (3,8 tỷ USD); công nghiệp thực phẩm (2,4 tỷ USD); nông nghiệp và chăn nuôi (1,8 tỷ USD); dịch vụ (1,6 tỷ USD)…
Qua đó, phân phối vốn FDI tại Indonesia đã đồng đều hơn giúp tạo ra các động cơ tăng trưởng kinh tế mới ở khắp Indonesia.
Theo dữ liệu của chính phủ Indonesia, Singapore nước đầu tư nhiều nhất vào Indonesia trong năm 2022, với tổng vốn FDI lên tới 13,3 tỷ USD. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài lớn khác gồm Trung Quốc (8,2 tỷ USD); Hồng Công (Trung Quốc) (5,5 tỷ USD); Nhật Bản (3,6 tỷ USD); Malaysia (3,3 tỷ USD); Mỹ (3 tỷ USD), Hàn Quốc (2,3 tỷ USD).
Cùng với đó, năm 2022, tổng vốn FDI vào Việt nam đạt gần 27,72 tỷ USD , bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, vốn FDI vào Indonesia gấp 1,65 lần vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2022.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân tại Việt Nam. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký trong năm 2022.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,26 tỷ USD và gần 1,29 tỷ USD trong năm 2022.
Năm 2022, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 39,7% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ.
Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, chiếm gần 17,3% tổng vốn đầu tư, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc).
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2022. TP Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn, tăng 47,3% so với cùng kỳ. Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,37 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn và tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội.