Tờ Asia Times ngày 28/7 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đang xem xét khả năng mua máy bay chiến đấu đa nhiệm Eurofighter Typhoon đã qua sử dụng của Không quân Áo, nhằm tăng cường ngăn chặn hành vi xâm lấn của Trung Quốc vào vùng biển thuộc chủ quyền của Indonesia ở Biển Đông.
Quốc gia châu Á đầu tiên vận hành Typhoon
Theo Asia Times, giá cả phải chăng dường như là lý do chính khiến Bộ trưởng Prabowo quan tâm đến việc mua lại 15 chiếc Typhoon động cơ đôi.
Nhưng khác với những người tiền nhiệm, ông Prabowo có cái nhìn mang tính chiến lược hơn về những thiết bị mà Indonesia cần để tăng cường sức mạnh không quân tiền tuyến và bổ sung thêm nhiều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường cho lực lượng hải quân vốn đang phải đối mặt với thách thức gia tăng từ Trung Quốc.
Được điều động đến Sumatra năm 2014 để rút ngắn phạm vi chiến đấu, các máy bay chiến đấu của không quân Indonesia đã tham gia một số cuộc tập trận hải quân lớn nhất của nước này trong nhiều năm qua tại khu vực phía tây Biển Java và vùng biển quanh quần đảo Natuna.
Cách đây 3 năm, Bộ Quốc phòng Áo công bố dự định thay thế các máy bay chiến đấu Typhoon vào năm 2020, đồng thời cho biết, việc tiếp tục sử dụng máy bay này trong vòng đời 30 năm sẽ tiêu tốn 5 tỷ USD, mà phần nhiều được dùng cho việc bảo trì.
Tiêm kích Typhoon dự kiến sẽ bổ sung một lực lượng hậu cần thứ 3 cho Không quân Indonesia. Không quân hiện đang có một phi đội tiền tuyến gồm 16 chiến đấu cơ đa nhiệm Su-27 và Su-30 do Nga sản xuất, cùng 3 phi đội F-16 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, thời gian gần đây đã được sử dụng để tuần tra trên Biển Đông.
Ông Prabowo đã tiếp cận với Bộ trưởng Quốc phòng Áo Klaudia Tanner để nêu đề xuất mua sắm Typhoon. Nếu việc mua bán diễn ra thuận lợi, dự kiến những chiếc Typhoon sẽ được nâng cấp lên tiêu chuẩn Tranche 3A, mang lại lợi thế về cả phòng không lẫn tấn công mặt đất cho Indonesia. Bên cạnh đó, Indonesia sẽ là quốc gia châu Á đầu tiên vận hành mẫu tiêm kích này.
Hiện có hơn 500 tiêm kích Typhoon đang phục vụ trong 9 lực lượng không quân ở Trung Đông và châu Âu. Giá của mỗi chiếc Typhoon mới là 100 triệu USD.
Một số nhà phân tích cho đây là động thái nhằm lấp đầy khoảng trống trước khi Indonesia tiếp nhận chiến đấu cơ KFX/IFX, mà Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc (KAI) và Công ty hàng không vũ trụ PT Dirgantara Indonesia (PTDI) đang phối hợp để chế tạo.
Trước khi để mắt đến Eurofighter Typhoons, Bộ trưởng Prabowo đã xem xét máy bay chiến đấu đa nhiệm Dassault Rafale mà Pháp tự phát triển sau khi rời khỏi chương trình Eurofighter do mâu thuẫn với Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức và nhiều đối tác khác.
Bộ trưởng Prabowo cũng gần tiến đến việc hoàn tất thỏa thuận mua 11 tiêm kích Su-35 của Nga, song các nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Joko Widodo đã can thiệp vì ông lo ngại phản ứng của Mỹ cũng như ảnh hưởng của thỏa thuận này đối với hoạt động thương mại của Washington và Jakarta.
Kế hoạch đa dạng hóa kho vũ khí
Indonesia hiện đang tìm cách đa dạng hóa việc mua vũ khí của nước này. Theo Asia Times, Bộ trưởng Prabowo dường như không chịu bất cứ sức ép nào từ Mỹ khi mua tiêm kích F-16V – phiên bản mới nhất của dòng máy bay chiến đấu động cơ đơn, nổi tiếng với “huyền thoại” bắn hạ 76 máy bay chiến đấu của địch trong khi chỉ bị mất một chiếc, kể từ khi ra đời vào những năm 1970.
Thời gian gần đây, nhiều nhà phân tích quốc phòng đã tỏ ra bối rối trước quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ, bật đèn xanh cho Indonesia mua 8 máy bay máy bay vận tải cánh quạt lật MV-22 Osprey và các thiết bị liên quan với giá 2 tỷ USD.
Tuyên bố đưa ra ngày 6/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu bật những ưu điểm của Osprey trong việc hỗ trợ các hoạt động đổ bộ, tăng cường khả năng cứu trợ nhân đạo và thảm họa. Đây là một điều khá bất ngờ vì MV-22 Osprey chưa bao giờ nằm trong danh sách mong muốn của ông Prabowo. Vài ngày sau, Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết họ không có kế hoạch mua Osprey. Thay vì đó, Indonesia xem xét bổ sung máy bay vận tải Mi-17V5 của Nga.
Nhiều chuyên gia quốc phòng đã chỉ trích việc Indonesia mua 8 máy bay trực thăng tấn công Apache AH-64 với giá gần 750 triệu USD và 100 xe tăng Leopard của Đức. Một số ý kiến cho rằng xe tăng Leopard quá nặng, không phù hợp để vận hành trên các tuyến cầu, đường của Indonesia.
Cả hai thương vụ này được cho là để bắt kịp kho vũ khí của các nước láng giềng Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Sức ép từ Trung Quốc?
Mặc dù việc chi tiêu quốc phòng tạm thời bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động gây hấn ở Biển Đông, Indonesia đã buộc phải chú ý nhiều hơn đến việc bảo vệ biên giới trên biển.
Trong công hàm ngoại giao đệ trình lên Liên Hợp Quốc vào tháng 5/2019, Indonesia cho biết họ không chấp nhận đề nghị đàm phán song phương của Trung Quốc để giải quyết cái mà Bắc Kinh gọi là “yêu sách chồng lấn về quyền và lợi ích hàng hải” vốn không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.
Tuần qua, Hạm đội miền Tây của hải quân Indonesia đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của nhiều tàu chiến và máy bay tại vùng biển quanh quần đảo Natuna.
Động thái này diễn ra sau khi Mỹ điều 2 nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông. Để củng cố lập trường cứng rắn của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Mỹ sẽ sát cánh với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á “để bảo vệ chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời gian gần đây cho biết ông đang có kế hoạch thăm Jakarta./.