Các tàu Trung Quốc đi vào vùng biển quanh quần đảo Natuna gần biển Đông từ tháng trước, dẫn đến việc Indonesia triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Jakarta đến để phản đối và điều 8 tàu chiến cùng 4 máy bay chiến đấu ra khu vực.
“Các tàu Trung Quốc đã đi, họ đang rời khỏi khu vực và tiến về phía bắc. Họ đã ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia”, Tư lệnh Bộ tư lệnh vùng 1, Phó đô đốc Yudo Margôn nói tại Jakarta.
Giới chức Indonesia phát hiện 3 tàu hải cảnh Trung Quốc ở khu vực Natuna và cho đến hôm nay, 2 tàu vẫn còn ở đó.
“Lực lượng hải cảnh di chuyển liên tục và hôm nay họ hướng đến Malaysia…Họ đang đi thẳng”, Phó đô đốc Margono cho biết thêm.
Động thái này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Joko Widodo đến thăm Natuna để khẳng định chủ quyền của Indonesia. Trong chuyến thăm, ông Widodo nói vùng biển này thuộc về Indonesia. “Chúng tôi có một huyện, một hội đồng và một thống đốc ở đây. Không có gì phải tranh luận. Về thực tế hay thực quyền, Natuna là Indonesia”, ông nói.
Dù các tàu Trung Quốc đang rời khỏi vùng biển của Indoneis, phó đô đốc Margono nói rằng Indonesia sẽ tiếp tục bảo vệ khu vực.
Cho đến hôm nay, 7 tàu chiến và 4 máy bay chiến đấu vẫn ở Natuna. Thông thường chỉ có khoảng 3-4 tàu chiến ở khu vực này, ông Margono cho biết.
Bộ Ngoại giao Indonesia lần đầu tiên phản đối sự hiện diện của lực lượng tàu cá Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của họ từ tháng trước, nhưng Bắc Kinh đáp lại rằng khu vực này là ngư trường truyền thống của họ.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi sau đó phát đi một tuyên bố vào ngày 3/1 để khẳng định vùng đặc quyền kinh tế của nước này được xác lập dựa trên Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Indonesia không phải một bên liên quan đến tranh chấp biển Đông. Nhưng từ năm 2016, nước này mâu thuẫn với Trung Quốc về quyền đánh bắt ở khu vực Natuna. Từ đó, Indonesia bắt giữ những ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở vùng biển này và xây một căn cứ quân sự tại đó.
Có thông tin nói rằng các tàu hải cảnh Trung Quốc sau khi rời khỏi Natuna đã di chuyển vào vùng thềm lục địa phía nam của Việt Nam.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đang xác minh thông tin này.
Bà Hằng khẳng định, các lực lượng chức năng Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam được xác định bởi UNCLOS 1982. Mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam cũng như UNCLOS 1982.