Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 16-8 chính thức đề xuất di dời thủ đô từ Jakarta đến Kalimantan, phần lãnh thổ của nước này nằm trên đảo Borneo nhưng chưa cho biết địa điểm chính xác.
Phát biểu trước quốc hội một ngày trước lễ Quốc khánh, Tổng thống Widodo đã đề nghị quốc hội cho phép di dời thủ đô đến hòn đảo mà nước này có biên giới với Malaysia và Brunei. "Thành phố thủ đô không chỉ đại diện cho bản sắc dân tộc mà còn đại diện cho sự tiến bộ của một quốc gia. Việc này nhằm mục đích hiện thực hóa bình đẳng kinh tế và công bằng" - ông Widodo lý giải cho đề xuất này.
Ông Widodo dự kiến tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 10 tới sau khi chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 4. Nhà lãnh đạo này hồi tháng 5 đã đi khảo sát một số địa điểm tiềm năng ở Kalimantan và tháng trước đề xuất danh sách gồm 3 tỉnh Trung, Đông và Nam Kalimantan.
Theo hãng tin Reuters, chưa rõ thủ đô mới sẽ nằm ở đâu nhưng giới chức Indonesia cho rằng nó phải đáp ứng một số tiêu chí nhất định. Trước hết, thành phố thủ đô cần phải nằm ở trung tâm của Indonesia, nơi có hơn 17.000 hòn đảo nhỏ trải dài 5.000 km từ Tây sang Đông. Thủ đô mới cũng phải là một nơi ít chịu rủi ro về thảm họa thiên nhiên hơn các khu vực còn lại của đất nước thường xuyên chứng kiến động đất, lũ lụt và núi lửa.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch Bambang Brodjonegoro, việc di dời thủ đô đến một địa điểm an toàn hơn và có mật độ dân cư thấp hơn có thể tiêu tốn đến 33 tỉ USD. Một phần số tiền này được dành cho xây trụ sở các cơ quan chính phủ và nhà ở cho khoảng 1,5 triệu công chức dự kiến bắt đầu dời đi từ năm 2024.
Với dân số hơn 10 triệu, Jakarta là một trong những thành phố có mật độ dân cư cao nhất thế giới. Con số này thậm chí còn tăng gấp 3 lần nếu tính cả những người sống ở các thị trấn xung quanh.
Thành phố này cũng có nguy cơ dễ bị lũ lụt và sụt lún do hàng triệu người dân khai thác nước ngầm, ảnh hưởng đến các tầng địa chất. Ô nhiễm không khí nghiêm trọng được xem là một nguyên nhân khác.
Theo tổ chức giám sát chỉ số chất lượng không khí AirVisual (Thụy Sĩ), chất lượng không khí ở Jakarta bị đánh giá là tệ nhất thế giới hôm 1-8, lần thứ 2 trong vòng 2 tháng.
Ngoài ra, thủ đô của Indonesia còn thường xuyên xuất hiện trong danh sách các thành phố có chất lượng không khí tệ nhất thế giới. Các nhà hoạt động môi trường đã đổ lỗi tình trạng này cho khói xe cộ và khí thải từ các nhà máy nhiệt điện than.
Hôm 4-7, hơn 30 người đã đệ đơn kiện Tổng thống Widodo, bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp, bộ trưởng Y tế, bộ trưởng Nội vụ cũng như lãnh đạo chính quyền Jakarta và 2 tỉnh xung quanh thủ đô (Tây Java và Banten) với yêu cầu họ có biện pháp làm sạch không khí.
Bà Ayu Eza Tiara, luật sư của bên nguyên, cho biết vụ kiện là nỗ lực cuối cùng nhằm thúc giục chính phủ chú ý đến chất lượng không khí kém ở Jakarta. Bà Tiara cho rằng dựa vào phản ứng của chính phủ, đây sẽ là một trận chiến pháp lý dài hơi và khó khăn tại tòa án. "Tôi dự đoán sẽ mất vài tháng hoặc có thể hơn một năm trước khi phán quyết được đưa ra" - luật sư này nói với trang channelnewsasia.com.