Nối tiếp các bước đi ngoại giao mạnh mẽ gần đây để phản đối các yêu sách của Trung Quốc, Indonesia tiếp tục gửi một công hàm lên Liên Hợp Quốc để bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về "quyền lịch sử" đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia trên Biển Đông.
Công hàm đề ngày 12/6 của Indonesia gửi lên Liên Hợp Quốc tái khẳng định lập trường của nước này về vấn đề Biển Đông theo đúng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016.
Hai nội dung chính được truyền đạt ngắn gọn và dứt khoát trong công hàm của Phái đoàn thường trực Indonesia tại Liên Hợp Quốc, bao gồm:
Thứ nhất, "không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa được hưởng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa, do đó không có thực thể nào tại đây tạo ra vùng chồng lấn với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa của Indonesia".
Thứ hai, "không có quyền lịch sử nào tồn tại trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Indonesia đối với CHND Trung Hoa. Nếu bất kỳ một quyền lịch sử nào tồn tại trước khi Công ước Luật biển có hiệu lực thì các quyền này đã bị thay thế bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".
Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi khẳng định không đàm phán với Trung Quốc.
Công hàm trên của Indonesia đáp lại công hàm phản đối của Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc ngày 2/6. Trong công hàm của Trung Quốc có nêu: "Trung Quốc và Indonesia có yêu sách chồng lấn về quyền và lợi ích tại một số phần ở Biển Đông". Trung Quốc thậm chí còn đề xuất mong muốn được giải quyết các yêu sách chồng lấn thông qua thương lượng và hòa giải với Indonesia để duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Trước đề nghị trên, ngày 11/6, trong cuộc họp báo với báo chí nước ngoài, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi nhấn mạnh, nước này kiên định với quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông như sau: “Dựa trên UNCLOS 1982, Indonesia không có vùng chồng lấn với Trung Quốc nên không tham gia bất kì cuộc đàm phán vào về phân định ranh giới với nước này.
Trên Biển Đông, Indonesia chỉ có chủ quyền chồng lấn với Việt Nam và Malaysia. Tuy nhiên, thông qua các thương lượng, Indonesia đã thành công trong việc phân định biên giới thềm lục địa với Việt Nam và Malaysia. Hiện nay, Indonesia chỉ đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) với hai quốc gia trên”.
Trước đó, Indonesia đã kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Indonesia khẳng định, “đường chín đoạn” của Trung Quốc là thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm UNCLOS 1982 thông qua công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc ngày 25/6.
Indonesia kêu gọi các quốc gia tuân thủ theo UNCLOS 1982 và phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về xung đột chủ quyền. Hành động này của Indonesia thể hiện chính sách nhất quán của quốc gia vạn đảo đối với vấn đề Biển Đông.
Đây không phải là lần đầu tiên Indonesia bày tỏ lập trường về vấn đề Biển Đông. Năm 2010, Indonesia cũng đã gửi một công hàm tương tự lên Liên Hợp Quốc.
Cuộc chiến công hàm về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông do Malaysia khởi xướng năm 2019. Nối tiếp Malaysia, các quốc gia Philippines, Việt Nam và Indonesia cũng đã tham gia vào cuộc chiến công hàm này với cùng một quan điểm bác bỏ các yêu sách "đơn phương" và "phi lí" của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn phóng viên đài TNVN tại Indonesia về các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông thời gian gần đây, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế, Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Indonesia, ông Gilang Kembara cho rằng, những tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông chỉ là những lời nói suông và căn cứ mà Trung Quốc đưa ra trong công hàm phản đối gửi Liên Hợp Quốc ngày 2/6 là không có cơ sở pháp lý./.