Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Tiêu Thiên để bày tỏ những lo ngại của Jakarta về điều kiện sinh sống trên tàu vốn bị nghi là nguyên nhân khiến 4 thuyền viên Indonesia thiệt mạng.
Cũng theo bà Marsudi, 4 nạn nhân nêu trên nằm trong tổng số 46 thuyền viên Indonesia làm việc trên các tàu cá treo cờ Trung Quốc liên quan đến vụ việc, gồm Longxin 605, Tian Yu 8, Longxin 629 và Longxin 606. Hai trong số này thiệt mạng hồi tháng 12-2019, 1 người vào ngày 30-3 trong khi người còn lại vào ngày 27-4. Những người thiệt mạng hồi tháng 12 và tháng 3 đã bị thủy táng, bà Marsudi cho biết thêm.
Nữ Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia còn thông báo rằng chính phủ của bà đã yêu cầu Bắc Kinh điều tra điều kiện sinh sống trên thuyền, nguyên nhân cái chết, cũng như về việc liệu quá trình thủy táng có được thực hiện theo quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) như thuyền trưởng tuyên bố hay không.
"Nếu điều tra phát hiện sai phạm, chúng tôi muốn giới chức Trung Quốc thực thi pháp luật một cách công bằng. Xuyên suốt quãng thời gian này, quá trình liên lạc thông qua kênh ngoại giao, dù là ở Jakarta hay Bắc Kinh, sẽ tiếp tục được thực hiện một cách mạnh mẽ" - bà Marsudi nhấn mạnh, đồng thời cho biết chính phủ Indonesia cũng đã yêu cầu Cảnh sát biển Hàn Quốc điều tra vụ việc.
Theo báo The Jakarta Post, Jakarta cũng đã yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ để bảo đảm các công ty Trung Quốc đáp ứng đầy đủ quyền lợi của người lao động, bao gồm về lương và điều kiện làm việc. Đáp lại, Đại sứ Tiêu khẳng định giới chức Trung Quốc sẽ bảo đảm các công ty vận hành tàu đánh cá nêu trên chịu trách nhiệm theo quy định và hợp đồng.
Những yêu cầu trên được đưa ra sau khi truyền thông Hàn Quốc dẫn lời một số thuyền viên Indonesia cho biết họ phải làm việc 18 giờ/ngày, bị đối xử tệ hơn các thuyền viên Trung Quốc và chỉ nhận được 10% trong mức lương 300 USD/tháng mà họ được cam kết trong hợp đồng. Cũng theo những người này, 4 nạn nhân nêu trên trước khi qua đời đã bị bệnh trong nhiều tuần nhưng thuyền trưởng từ chối cập cảng để họ được chăm sóc y tế.
Nhóm hoạt động vì người di cư The Migrant Care (Indonesia - Úc) nói rằng môi trường làm việc khắc nghiệt trên các tàu cá Trung Quốc đã vi phạm quyền lợi cơ bản của thuyền viên Indonesia và vụ việc là "một hình thức của nô lệ thời hiện đại".