Tàu ngầm KRI Nanggala 402. Ảnh: AP
Chiếc tàu ngầm 44 năm tuổi mất liên lạc với Hải quân Indonesia vào ngày 21/4, khi đang chuẩn bị cho một cuộc diễn tập phóng ngư lôi trên biển Bali.
Một chiến dịch tìm kiếm cứu nạn với sự tham gia của nhiều quốc gia khác trên thế giới đã lập tức được tiến hành, với hi vọng tìm thấy chiếc tàu ngầm trước khi tàu cạn kiệt oxy.
Sau đó vài ngày, xác con tàu được tìm thấy trong tình trạng vỡ làm ba phần. 53 thành viên thuỷ thủ đoàn được xác định đã thiệt mạng. Cơ quan chức năng thừa nhận những khó khăn trong việc trục vớt xác tàu ngầm từ độ sâu 840m.
Người phát ngôn Hải quân Indonesia - Julius Widjojono ngày 2/6 cho biết nước này không có kế hoạch tiếp tục trục vớt xác tàu ngầm sau khi kết thúc hợp tác với Trung Quốc.
Trung Quốc đã triển khai ba tàu hỗ trợ cứu hộ đến Indonesia vào tháng trước.
"Việc trục vớt đã kết thúc", ông Widjojono nói với Reuters hôm thứ Tư, và cho biết các bộ phận của con tàu vẫn nằm dưới đáy biển.
Thảm kịch làm dấy lên lo ngại về tình trạng khí tài quần sự của Indonesia, khi một số chuyên gia cho rằng tàu KRI Nanggala 402 không được bảo dưỡng đầy đủ.
Hình ảnh xác tàu ngầm KRI Nanggala 402.
Trước khi KRI Nanggala 402 gặp sự cố, chỉ huy tàu ngầm, Heri Oktavian, đã phàn nàn với nhà báo và nhà phân tích quân sự Edna Caroline Pattisina về việc trì hoãn kế hoạch đại tu tàu ngầm hồi năm 2020. Con tàu được đại tu lần cuối tại Hàn Quốc vào năm 2012.
Tiết lộ với điều kiện giấu tên, một quan chức Indonesia cho biết việc đại tu tàu ngầm bị trì hoãn vì đại dịch COVID-19. Hai nguồn tin khác cho biết tàu Nanggala đã gặp phải nhiều sự cố, bao gồm vụ việc hồi năm 2017, khi tàu bất ngờ chìm xuống độ sâu 84m ở vùng biển Bắc Bali sau khi nước tràn vào ống thở. Một sự cố tương tự từng xảy ra năm 2014, ở vùng biển Tây Bali. Khi đó, tàu Nanggala giảm độ sâu 17m.
Achmad Taufiqoerrochman, cựu Phó Tham mưu trưởng Hải quân, nhớ lại rằng Nanggala đã gặp sự cố kết nối với các ống phóng ngư lôi của mình vào năm 2016, nhưng nói thêm rằng vấn đề này sau đó đã được giải quyết.
Người phát ngôn Hải quân Julius Widjojono cho biết ông chưa bao giờ nghe nói về các vụ việc này.
Tuy nhiên, nhà phân tích an ninh Natalie Sambhi, Giám đốc điều hành nhóm nghiên cứu quân sự Verve Research, cho biết đây không phải là lần đầu tiên các điểm yếu quân sự của Indonesia bị phơi bày.
Bà Sambhi nói: "Đây không phải là một sự cố cá biệt về năng lực của Indonesia, cho dù đó là lực lượng hải quân hay không quân".
Indonesia đã hứng chịu ba thảm họa máy bay C-130 kể từ năm 2009, bà nói thêm.