Tổng thống Indonesia đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của G20 trong năm 2020
Khi được hỏi tại Brussels rằng liệu Nga có nên bị loại khỏi nhóm của các nền kinh tế lớn nhất thế giới, ông Biden nói: “Câu trả lời của tôi là có”.
Ông nói thêm rằng nếu Indonesia và các thành viên khác của G20 không đồng ý loại trừ Nga thì Ukraine cần được dự các cuộc họp của nhóm.
Không chỉ riêng ông Biden có quan điểm như vậy. Nhóm các nước công nghiệp G7 ra tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh giữa tuần trước rằng “các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương không nên tiến hành các hoạt động với Nga theo cách thức bình thường”.
Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng ý tưởng về việc ngồi cùng bàn với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thượng đỉnh G20 ở Bali là “một bước quá xa”.
G7 đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong khuôn khổ G8 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Nhóm này và các nước đồng minh như Úc đang áp hàng loạt lệnh trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Mark Sobel, một cựu quan chức của Bộ Tài chính Mỹ, viết trong một bài đăng gần đây trên Tạp chí tiền tệ và tài chính, rằng G7 đã đoàn kết hơn khi Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau.
Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thể hiện sự thận trọng với lời kêu gọi loại trừ Nga khỏi G20. Ông nhấn mạnh rằng khuôn khổ này là “tập hợp vì hợp tác kinh tế”, không phải đấu trường chính trị.
Indonesia có truyền thống cân bằng quan hệ giữa các cường quốc thế giới. Một nguồn tin chính phủ Indonesia cho biết ông Putin đã được mời đến dự thượng đỉnh ở Bali.
Việc loại Nga khỏi G20 cũng cần sự đồng thuận của các thành viên khác. Ấn Độ và Trung Quốc đều có quan hệ gần gũi với Nga.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân gọi Nga là “một thành viên quan trọng của nhóm”, và rằng “không thành viên nào có quyền tước tư cách thành viên của nước khác”.
Các nước G7 đã bắt đầu bàn cách đối phó, Nikkei Asia dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết.
Ra đời từ năm 1999, G20 tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhóm này chiếm khoảng 80% GDP toàn cầu, trong khi phối hợp xử lý những thách thức chung khác như biến đổi khí hậu và đói nghèo.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay đang thử thách khả năng xử lý của nhóm.
Tổng thống Widodo cho biết thượng đỉnh năm nay sẽ tập trung vào những chủ đề chính: cấu trúc y tế toàn cầu mạnh hơn, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và chuyển đổi kinh tế số.
Các lệnh trừng phạt Nga tác động đến 2 vấn đề trong số đó. Một số tiếng nói ở Indonesia cho rằng thảo luận về Ukraine là điều khó tránh.
Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm ngày 15/3 với Ngoại trưởng Retno Marsudi, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh ủng hộ Jakarta “loại bỏ những gián đoạn và kiên định thúc đẩy chương trình nghị sự đã định của G20”, cách nói được hiểu là đề nghị tránh chủ đề xung đột Ukraine.
Với sự đa dạng về thể chế của các thành viên, G20 thường khó tìm được lập trường chung dù trong điều kiện bình thường.
“Hầu hết vấn đề đều không có giải pháp dễ dàng, và chúng ta có thể thấy nhóm này trở nên lặng lẽ trong một khoảng thời gian”, cựu đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Ichiro Fujisaki đánh giá.
“Điểm yếu của G20 phản ánh điểm yếu của thế giới. Nếu chúng ta nghĩ G20 là diễn đàn để các nước với những giá trị khác nhau có thể ngồi chung để thảo luận về khác biệt thì đã hiệu quả rồi”, cựu ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nói.