Indonesia: Chịu hậu quả nặng nề về sức khoẻ do ô nhiễm không khí và bụi mịn, người dân quyết nộp đơn kiện chính phủ

Hương Giang |

Leona Wirawan - cô sinh viên trẻ, tham gia một nhóm hoạt động vì môi trường gồm 31 người. Họ cùng nhau nộp đơn kiện chính phủ Indonesia, kêu giới chức nước này phải hành động để giảm thiểu ô nhiễm.

Năm 2016, ngay khi vừa chuyển đến thủ đô của Indonesia, Jakarta, để học tập ngành luật môi trường, Leona Wirawan đã cảm thấy khó thở. Sự khác biệt rõ rệt giữa hòn đảo nhiệt đới đầy màu xanh quê hương cô - Bali, và những con đường đông đúc, đầy bụi bặm của một siêu đô thị 10 triệu người nhanh chóng khiến bệnh hen suyễn của Leona tái phát.

Cô chia sẻ: "Tôi biết rằng nếu tôi đi bộ mà không đeo khẩu trang thì tôi sẽ lên cơn hen." Leona chỉ là một sinh viên như nhiều bạn trẻ khác, học phí của họ không hề thấp nhưng lại phải chi đến 100 USD cho 20 chiếc khẩu trang chất lượng tốt. Tuy nhiên, cô gái 22 tuổi này lại không muốn kể về sự khó khăn ấy với gia đình: "Tôi sợ rằng bố mẹ sẽ lo lắng và giục tôi trở về nhà."

Khi tốt nghiệp được 1 năm, cô giá trẻ sẽ phải đối mặt với vấn đề nan giải rằng mình có nên mạo hiểm sức khoẻ để phát triển sự nghiệp, ở lại thành phố chật chội này hay không. Leona nhận thức được rằng sương khói quan hoá (smog) sẽ khiến cô gặp rất nhiều vấn đề về tai, mũi, họng.

Indonesia: Chịu hậu quả nặng nề về sức khoẻ do ô nhiễm không khí và bụi mịn, người dân quyết nộp đơn kiện chính phủ - Ảnh 1.

Thủ đô Jakarta chìm trong sương khói (smog).

Dẫu vậy, hiện tại, cô vẫn quyết định ở lại và đấu tranh vì sự thay đổi. Leona tham gia một nhóm hoạt động vì môi trường gồm 31 người, trong đó có những chuyên gia môi trường, doanh nhân và nhiều công chức. Họ đã nộp đơn kiện chính phủ Indonesia, kêu giới chức nước này phải hành động để giảm thiểu ô nhiễm.

Rất lâu trước khi những đợt cháy rừng hoành hành, gây ra bởi những hành động khai hoang đất ở khu vực Sumatra và Kalimantan, rất nhiều tờ báo lớn trên thế giới đã đưa tin về tình trạng khói bụi độc lan ra khắp Đông Nam Á và người dân Jakarta phải hứng chịu nhiều nhất. Hồi tháng 6, theo ứng dụng AirVisual, Jakarta là đô thị có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới. Theo Viện Lowy của Úc, năm 2017, các trạm theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ Quán Mỹ đã ghi nhận chỉ có 26 ngày không khí mới của thủ đô này ở mức "tốt".

Theo nghiên cứu của Đại học Chicago, chất lượng không khí của Jakarta hiện đang rất tồi tệ và điều này đang giảm tuổi thọ của người dân từ 2 đến 3 năm. Trong khi đó, Greenpeace ước tính rằng mỗi năm sẽ có ít nhất 7.390 người dân sống ở thành thị chết sớm do hàm lượng bụi mịn (PM 2.5) tăng cao - yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, bệnh phổi và nhiễm trùng hô hấp dưới.

Indonesia: Chịu hậu quả nặng nề về sức khoẻ do ô nhiễm không khí và bụi mịn, người dân quyết nộp đơn kiện chính phủ - Ảnh 2.

Quay trở lại với Leona và nhóm của cô, bản chất của vụ kiện này không phải là kiện chính phủ để đòi tiền, mà mục đích cho họ là thúc giục, kêu gọi chính phủ phải thực hiện nhiều hành động hơn để làm sạch không khí thành phố, theo Ayu Eza Tiara. Tiara là luật sư của Viện Pháp lý Jakarta, hiện đang giải quyết trường hợp trên.

Bà cho hay, hành động này được thực hiện dựa trên luật nhân quyền và môi trường, được đệ trình để chống lại tổng thống, các bộ môi trường, nội vụ, y tế, 3 thống đốc của Jakarta, tỉnh Banten và Tây Java. Tiara lập luận: "Người dân có quyển được hưởng một môi trường trong lành. Chúng tôi rất tự tin vì chúng tôi không nộp đơn kiện vì tiền mà là vì chính sách."

Tiara cho hay, vụ kiện sẽ được thực hiện dựa vào các bằng chứng từ nhiều nghiên cứu về ô nhiễm không khí, bao gồm nguồn từ Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) và dẫn chứng từ những người chịu tổn hại do không khí quá ô nhiễm. Bà nói thêm, các nguyên đơn đều tin rằng họ là nạn nhân của ô nhiễm không khí, một số cảm thấy vì không khí quá bẩn nên họ dễ bị nhiễm bệnh, còn trẻ em thì gặp các vấn đề về phổi.

Trong số đó là Veronica Michelle, 43 tuổi, chị lo ngại về sức khoẻ của cô con gái 6 tuổi của mình. Misha bị dị ứng bụi nghiêm trọng khiến cô bé đau đớn vì nhiễm trùng da. Michelle cho biết, những ông bố bà mẹ khác thì lo lắng về tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn, viêm mũi gây chảy máu cam. Chị chia sẻ, việc thiếu các phương tiện công cộng hiện đại hay việc đi bộ trên vỉa hè là một vấn đề lớn đối với các gia đình trẻ, bởi các khu dân cư đốt rác nhiều.

Indonesia: Chịu hậu quả nặng nề về sức khoẻ do ô nhiễm không khí và bụi mịn, người dân quyết nộp đơn kiện chính phủ - Ảnh 4.

Veronica Michelle và con gái.

Michelle kể: "Một hôm, tôi đưa con gái đến trường bằng phương tiện công cộng, nhưng con bé cảm thấy rất nóng và cơn dị ứng bụi lại diễn ra. Người lớn chúng tôi muốn di chuyển bằng phương tiện công cộng để bảo vệ môi trường nhưng điều đó lại có hại cho trẻ em."

Chị giãi bày: "Tôi muốn chất lượng không khí ở Jakarta được tốt hơn bởi con tôi sống ở đây. Tôi muốn chính phủ minh bạch và đưa ra chính sách để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Còn cách nào hiệu quả hơn để con em mình không hít phải khí độc ngoài đeo khẩu trang không?" Gia đình Michelle đã nghĩ đến việc rời khỏi Jakarta, nhưng công việc của chồng chị lại gắn liền với thành phố này và trường học ở đây cũng tốt hơn.

Hiện tại, vụ kiện pháp lý vẫn đang ở giai đoạn đầu và thủ tục tố tụng tại toà sẽ bắt đầu vào tháng 12 nếu không có thoả thuận dàn xếp trước đó. Một quan chức cấp cao của bộ môi trường không đưa ra bình luận về vụ việc, nhưng cho biết chính quyền đã nghiên cứu nhiều lần về giải pháp cho ô nhiễm không khí và kêu gọi người dân cùng góp sức. Tuy nhiên, Fajri Fadhillah - luật sư tại Trung tâm Luật Môi trường Indonesia, một trong những tổ chức ủng hộ vụ kiện này, nói rằng phản hồi trên từ phía chính quyền Jakarta vẫn là chưa đủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại