Theo người đứng đầu trung tâm phòng chống thảm họa thiên tai núi lửa và địa chấn Indonesia Devy Kamil Syahbana, báo cáo các hoạt động địa chấn sáng 30/11 cho thấy, có các dư chấn cao thấp theo từng thời điểm. Hiện núi lửa vẫn tiếp tục hoạt động với các cột phun tro bụi.
Núi lửa Agung đang phun trào. Ảnh: Reuters
Báo cáo cũng cho thấy có các hoạt động Magma tăng cường, với khả năng một đợt phun mạnh có thể sớm diễn ra. Lần phun trào trước đó của núi lửa Agung năm 1963, làm hơn 1.000 người thiệt mạng, thiêu cháy nhiều ngôi làng.
So sánh với đợt phun trào năm 1963, ông Devy Kamil Syahbana cho rằng, chưa thể dự đoán liệu đợt phun này, nếu xảy ra, có mạnh hơn hay không. Hiện các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình và đưa ra một số đánh giá về tác động của đợt phun trào lần này.
Sân bay quốc tế Bali của Indonesia chiều qua đã mở cửa lại. Theo người phát ngôn sân bay, khói bụi núi lửa đã trôi dạt xuống phía nam và đông nam, giúp bầu trời tại khu vực sân bay khá quang đãng để các máy bay có thể cất và hạ cánh.
Cơ quan phòng chống thảm họa thiên tai quốc gia cũng cho biết, có khoảng 43.000 người đã đến các trung tâm sơ tán. Tuy nhiên theo ước tính, có khoảng 90-100.000 người sinh sống xung quanh khu vực núi lửa./.