Ở Hàng Châu, Chiết Giang, ông chủ Phương có một cửa hàng nhỏ kinh doanh các loại hạt rang đã hàng chục năm. Hạt dẻ rang đường của cửa tiệm này rất độc đáo nên được người dân địa phương ưa chuộng, ai ăn thử hạt rang cũng phải tấm tắc khen ngon. Cửa hàng kinh doanh tốt đến mức có những lúc cung không đủ cầu, khách hàng phải xếp hàng dài mới có thể mua được.
Sau khi thương hiệu hạt rang của mình đã có được tiếng tăm nhất định, khoảng năm 2008, theo gợi ý của một số khách hàng, ông chủ Phương đã quyết định nâng cấp sản phẩm của mình bằng cách đóng gói sản phẩm một cách chuyên nghiệp hơn.
Theo đó, ông Phương cho treo bảng hiệu có ghi dòng chữ “Cửa hàng hạt rang ngon nhất Hàng Châu” bên ngoài để thu hút du khách thập phương. Bên cạnh đó, những nơi trưng bày các loại hạt trong cửa hàng cũng đều được ghi rõ “Quả vải khô ngon nhất, chất lượng nhất” hay "Hạt dẻ thơm ngon, cao cấp nhất thế giới".... Những lời mời gọi này cũng đều được ông chủ Phương đồng bộ in lên bao bì và túi đóng gói sản phẩm để bán ra cho người tiêu dùng.
Ảnh minh họa: 163.com
Cứ nghĩ làm vậy có thể quảng bá sản phẩm của mình một cách hiệu quả hơn, nào ngờ, ông chủ Phương lại vướng vào một rắc rối nghiêm trọng.
Vào tháng 9 năm 2015, của hàng của ông Phương đón tiếp hai vị khách từ nơi khác đến Hàng Châu du lịch. Thông thường, cửa hàng luôn rất đông khánh nên ông chủ Phương cũng không để để ý hết từng người, tuy nhiên, hai vị khách này có hành động khá kỳ lạ khiến ông phải chú ý.
Sau khi mua gói hạt dẻ rang đường hơn 10 NDT, 2 vị khách này không rời đi ngay hay mở gói hạt ra ăn như những vị khách khác mà chỉ nhìn chằm chằm vào bao bì sản phẩm rồi bàn tán chuyện gì đó. Sau đó, họ còn lấy điện thoại ra chụp ảnh lại khiến ông Phương rất nghi ngờ.
Vào tháng 11 năm 2015, cơ quan quản lý địa phương bỗng đến cửa hàng của ông Phương để kiểm tra vì có người tố cáo sai phạm. Ông Phương sau đó bị phạt 200.000 NDT ( hơn 667 triệu đồng). Theo cơ quan quản lý, nguyên nhân chủ cửa hàng này bị phạt là vì in chữ "nhất" trên bao bì sản phẩm kinh doanh. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Ảnh minh họa: 163.com
Không hài lòng với số tiền phạt quá lớn, ông Phương đã kiện cơ quan quản lý ra tòa. Vậy chuyện này ai đúng, ai sai ?
Theo quy định tại Điều 9, khoản 3 Luật Quảng cáo Trung Quốc: Quảng cáo không được sử dụng các từ ngữ như “cấp quốc gia”, “bậc nhất”, “tốt nhất”. Những từ ngữ này mang tính chất tuyệt đối, dễ gây hiểu nhầm, đánh lừa người tiêu dùng và không có lợi cho việc cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, việc sử dụng những từ ngữ mang tính tuyệt đối trong quảng cáo là vi phạm quy định của pháp luật Trung Quốc và cần phải loại bỏ.
Ảnh minh họa: 163.com
Hơn nữa, trong trường hợp của ông chủ Phương, sau khi cơ quan quản lý xử phạt và trước khi quyết định xử phạt được ban hành, cửa hàng này cần loại bỏ ngay các thông tin vi phạm trên bảng hiệu cũng như trên bao bì sản phẩm để giảm bớt những hiểu lầm do những từ ngữ mang tính chất tuyệt đối gây ra.
Tuy nhiên, sau khi cơ quan quản lý ra quyết định xử phạt, cửa hàng này vẫn sử dụng bao bì, túi đóng gói có in chữ “nhất” nên mới tăng số tiền phạt ban đầu là 100.000 NDT (hơn 337 triệu đồng) lên 200.000 NDT (khoảng 667 triệu đồng).
Theo tòa án, số tiền phạt này là hợp lý và theo đúng quy định của Luật Quảng cáo Trung Quốc. Cụ thể, sau khi thương nhân vi phạm các quy định liên quan, bộ Công thương sẽ yêu cầu thương nhân chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời phạt tiền không dưới 200.000 NDT nhưng không quá 1 triệu NDT. Trường hợp nghiêm trọng sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
Ảnh minh họa: 163.com
Vì vậy, xét từ kết quả xử phạt, mức xử phạt mà cơ quan quản lý Trung Quốc đưa ra đã dựa trên tiêu chuẩn tối thiểu. Sau 2 lần kháng cáo, tòa vẫn giữ nguyên bản án ban đầu đối với ông chủ Phương là phạt 200.000 NDT.
Hiện nay, việc quảng cáo để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng đã rất quen thuộc. Tuy nhiên, tình trạng quảng cáo “quá lố”, thổi phồng tràn lan đã gây ra bức xúc trong dư luận. Do đó, các đơn vị kinh doanh cần nắm vững quy định của pháp luật để tránh vi phạm và quảng cáo quá lố về sản phẩm để đảm bảo uy tín cũng như lấy được lòng tin của người tiêu dùng.
Đối với những trường hợp quảng cáo sai sự thật và sản phẩm, cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh tay hơn nữa của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, sự thông thái của người tiêu dùng là vô cùng quan trọng.
(Theo 163.com)