Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 28/4 đưa ra báo cáo đánh giá về nền kinh tế Nga trong bối cảnh lệnh trừng phạt liên tiếp được công bố nhằm vào mọi lĩnh vực phát triển nhất của quốc gia này.
Đánh giá cho thấy, Nga có khả năng phục hồi tốt hơn trước các lệnh trừng phạt so với dự kiến.
Theo IMF, Moscow đã thành công trong việc chuyển hướng xuất khẩu năng lượng từ các quốc gia châu Âu sang các quốc gia không bị trừng phạt. Việc chuyển hướng đã khiến doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022 do giá năng lượng ở mức rất cao.
Điều này đã giúp nền kinh tế Nga phục hồi mạnh mẽ trong quý 3 và quý 4 năm 2022.
Báo cáo của IMF cho biết thêm, động lực từ nửa cuối năm 2022 sẽ được chuyển sang năm 2023, với mức tăng trưởng trong năm dự kiến là 0,7%.
Theo IMF, vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của các biện pháp trừng phạt, nhưng “giá trần đối với dầu thô không dẫn đến sự sụt giảm sản lượng dầu của Nga cho đến nay”.
Tuy nhiên, giá thấp hơn sẽ dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong doanh thu tài chính của Nga trong năm nay, báo cáo dự đoán.
IMF dự báo sản lượng của Nga vào năm 2027 sẽ thấp hơn khoảng 8% so với dự đoán trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo ước tính do Ngân hàng Trung ương Nga công bố hôm thứ Sáu, nền kinh tế sẽ tăng trưởng tới 2% trong năm nay, được hỗ trợ bởi nhu cầu trong nước ngày càng tăng và đất nước đã có các phương án thích ứng với các lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, The Economist nhận định, Mỹ đã rõ ràng kỳ vọng rằng những hậu quả nặng nề của các biện pháp áp đặt lên Nga sẽ cản trở nước này trong việc tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tuy nhiên, sau một năm, mặc dù Mỹ và phương Tây đã liên tục thắt chặt các biện pháp trừng phạt, kinh tế Nga được cho là đã phục hồi và không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trừng phạt nhằm vào tài chính Nga
Một số biện pháp nhằm vào giới tài phiệt Nga và những người thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được áp dụng.
Theo công ty dữ liệu World-Check, khoảng 2.215 cá nhân có liên quan chặt chẽ đến chính phủ Nga không được phép vào một số quốc gia phương Tây hoặc truy cập vào tài sản của họ ở phương Tây.
Tuy nhiên, hầu hết các tài phiệt Nga vẫn tìm được cách để tiếp tục kinh doanh. Mặc dù các chính phủ nước ngoài đã đóng băng tài sản tư nhân trị giá khoảng 100 tỷ USD của Nga, nhưng con số này chỉ chiếm khoảng 1/4 số tiền mà các gia đình Nga có ở nước ngoài.
Các biện pháp trừng phạt tài chính cũng mang lại tác dụng hạn chế. 10 ngân hàng Nga bị cắt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Gần hai phần ba hệ thống ngân hàng Nga không thể xử lý các giao dịch bằng đồng euro hoặc USD.
Tuy nhiên, các nước phương Tây vẫn phải nhập dầu và khí đốt từ Nga, vì vậy họ không cắt hoàn toàn các giao dịch với các ngân hàng của Nga. Gazprombank, nơi xử lý các khoản thanh toán này, vẫn là thành viên của SWIFT. Đồng thời, các hệ thống thanh toán khác đang được phát triển để thay thế phương Tây.
Ngân hàng Trung ương Nga ứng phó tốt trước trừng phạt.
Trừng phạt nhằm vào xuất nhập khẩu của Nga
Việc hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng hóa sang Nga không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Tuy nhiên, năm ngoái, lượng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Nga đã giảm 25%. Mặc dù vậy, Nga vẫn tiếp tục nhập khẩu nhiều như trước chiến sự Ukraine, và đã xuất hiện các đối tác thương mại mới để thay thế phương Tây.
Hàng hóa Trung Quốc hiện đang bán sang Nga gấp đôi so với năm 2019. Tuy nhiên, nhập khẩu thông qua một nước thứ ba tăng đáng kể. Kinh tế Nga đang gặp một số hạn chế như chi phí vận chuyển sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc cao hơn so với Brussels. Bên cạnh đó, nhiều hàng hóa do Nga sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và đang bị ảnh hưởng.
Ngành xe hơi của Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chất bán dẫn nhập khẩu, gây ra giảm sản xuất đáng kể trong tháng 1 và tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây đã gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nga, tuy nhiên các nước này cũng tránh áp đặt các biện pháp quá nghiêm khắc để không làm tăng giá năng lượng cho người tiêu dùng.
Việc nhập khẩu khí đốt từ Nga của EU giảm đáng kể, nhưng các khách hàng châu Á lại sẵn lòng mua những sản phẩm năng lượng mà châu Âu từ chối với mức giá chiết khấu cao. Gần 90% tổng xuất khẩu dầu thô của Nga vào tháng 3 là sang Trung Quốc và Ấn Độ, theo ước tính của công ty phân tích hàng hóa Kpler. The Economist đã nhận xét về những "kỳ tích kinh tế" mà Nga đã tạo ra khi "phá đảo" các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và phương Tây.
Nga đáp ứng tốt mức sống người dân
Nga đã đạt được thành tựu kinh tế đáng kể bằng việc bảo đảm mức sống tốt cho người dân. Trong năm qua, Moscow đã dành 3% GDP để thúc đẩy kinh tế thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính, tài trợ cho các doanh nghiệp, cung cấp khoản vay trợ cấp, đầu tư chung,...
Năm 2022, tỷ lệ thất bại trong kinh doanh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm. Lương trung bình tại các công ty trung và lớn cũng tăng nhẹ sau khi tính đến lạm phát.
Đánh giá của The Economist cho thấy rằng, nền kinh tế Nga đã có khả năng phục hồi và GDP thực tế chỉ giảm 2-3% trong năm ngoái - ít hơn nhiều so với dự đoán của nhiều nhà kinh tế với mức giảm từ 10-15%.
Theo ước tính của Ngân hàng Goldman Sachs, Nga đã vượt qua giai đoạn suy thoái năm trước và hầu hết các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục trong năm nay.