Im lặng là dung túng cho "yêu râu xanh"

HỒNG ĐÀO thực hiện |

Nhiều người cho rằng hành vi quấy rối tình dục chỉ mang tính vi phạm đạo đức trong giao tiếp mà không biết là vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm

Theo khảo sát của Action Aid tại Việt Nam, tỉ lệ phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối tình dục (QRTD), từ lời nói khiếm nhã cho đến hiếp dâm là 87%. Song ít người tố cáo hành vi này, dù Bộ Luật Lao động năm 2019 có quy định cụ thể nhưng việc xử phạt rất khó khăn. Báo Người Lao Động đã trao đổi với bác sĩ Nguyễn Lan Hải về chủ đề này.

. Phóng viên: Người bị QRTD chịu những hậu quả gì, thưa bà?
Im lặng là dung túng cho "yêu râu xanh"- Ảnh 1.

Bác sĩ NGUYỄN LAN HẢI

- Bác sĩ NGUYỄN LAN HẢI: QRTD có thể xảy ra với bất kỳ ai (lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp) và ở bất cứ nơi nào. Đối tượng quấy rối có thể là người lạ, người quen thậm chí người thân (người họ hàng, đồng nghiệp, hàng xóm, người yêu) hoặc người có quyền lực. Phần lớn nạn nhân bị QRTD ở Việt Nam là nữ (78,2% - theo báo cáo nghiên cứu về QRTD tại nơi làm việc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Hành vi này tạo môi trường làm việc căng thẳng, phòng vệ, thù địch. Hầu hết nạn nhân đều xấu hổ, thường xuyên trong tâm trạng lo âu, mất ngủ, sợ người khác biết. Phần lớn người từng bị quấy rối chỉ biết âm thầm chịu đựng vì tâm lý mặc cảm, xấu hổ, sợ thị phi, không dám tố cáo.

Sự im lặng của nạn nhân đã và đang dung túng cho hành động đồi bại của "yêu râu xanh". Một số người đang có địa vị tốt trong xã hội muốn bảo vệ hình ảnh đó nên đành chọn cách im lặng thay vì lên tiếng. Bởi họ nghĩ có làm ra cũng vô ích, thậm chí còn sợ bị mang tiếng, sợ cách xử lý "bỏ tốt, giữ tướng".

Những kẻ quấy rối hiểu nạn nhân ngại mang tiếng, sợ mất việc, không dám tố cáo nên càng được đà lấn tới. Không ít trường hợp cho rằng hành vi QRTD chỉ mang tính vi phạm đạo đức trong giao tiếp mà không biết là vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm.

Im lặng là dung túng cho "yêu râu xanh"- Ảnh 2.

Mỗi người lao động cần hiểu rõ quyền tự do thân thể của mình và những giới hạn riêng tư lành mạnh trong giao tiếp. Ảnh: HỒNG ĐÀO

. Hành vi nào được xem là QRTD nơi công sở?

- QRTD không chỉ là dụ dỗ, cưỡng ép quan hệ tình dục mà gồm cả những hành vi dâm ô (đụng chạm; khám bệnh, hướng dẫn công việc vượt quá giới hạn chuyên môn…), các cử chỉ, lời nói ẩn ý (bình luận khiếm nhã về cơ thể người khác, lời nói khiêu khích, những câu đùa vô duyên hướng tới các liên tưởng tình dục, đố tục giảng thanh, nhìn chằm chằm vào cơ thể, những biểu hiện không đứng đắn…), các hình ảnh, mô tả việc quan hệ thân xác hoặc cố bày ra các cuộc hẹn gặp mặt (phụ đạo người chậm tiến, bồi dưỡng người giỏi…).

Trong thời internet, còn có loại QRTD gọi là "cybersex" như thủ phạm dùng các thiết bị văn phòng để thực hiện ý đồ như gọi điện thoại tán tỉnh, gạ gẫm núp dưới hình thức "trao đổi công việc", "xin tư vấn tình cảm", "gọi nhầm số" (phone sex), gửi tin nhắn có nội dung gợi tình hoặc xa xôi đầy ẩn ý hoặc huỵch toẹt, những cuộc trò chuyện mang màu sắc nhục dục giữa cá nhân với cá nhân hoặc trong một nhóm kín với nhau (chat sex), những trang web đen... Phiên bản cuối của các loại QRTD là tấn công tình dục.

. Để bảo vệ mình, người lao động cần làm gì?

- Ngày 25-5-2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố "Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc". Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 145/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2021) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Trong đó, quy định cụ thể những hành vi bị xem là QRTD nơi làm việc.

Mỗi người lao động phải hiểu rõ quyền tự do thân thể của mình và những giới hạn riêng tư lành mạnh trong giao tiếp. Nạn nhân muốn tố cáo người QRTD phải có bằng chứng, nếu không có thể bị quy tội vu khống. Cần lưu lại thông tin, tin nhắn, tìm cách chụp ảnh, ghi hình để khi sự việc bị đẩy đi quá xa, buộc phải tố cáo thì có sẵn chứng cứ trong tay. Tránh tình trạng đổ lỗi cho nạn nhân hoặc xem họ như trò cười.

Đàn ông (con trai) cũng phải tự bảo vệ mình ở chỗ công cộng, để không là nạn nhân hoặc ít ra cũng không vô tình vi phạm quy tắc giao tiếp. Trên thế giới, khoảng 79% nạn nhân bị QRTD là nữ, 21% là nam. Ở nước ta, điều tra mới đây tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cho thấy tỉ lệ nam sinh bị quấy rối là 19,33%, cao hơn so với nữ sinh (16,86%).


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại