Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Đông Nam Á được coi là một trong những động lực tăng trưởng về nhu cầu năng lượng lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới, khi có tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số và sản xuất nhanh chóng. Điều này cũng đặt ra thách thức đối với an ninh năng lượng của khu vực cũng như những nỗ lực để đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Theo IEA, Đông Nam Á đang trên đà chiếm 25% mức tăng trưởng về nhu cầu năng lượng toàn cầu từ nay đến năm 2035, chỉ sau Ấn Độ. Con số này cũng cao gấp đôi so với tỷ trọng tăng trưởng của khu vực, kể từ năm 2010. Theo dự báo của IEA, đến giữa thế kỷ, nhu cầu năng lượng tại khu vực Đông Nam Á sẽ vượt qua Liên minh châu Âu.
Báo cáo của IEA chỉ ra rằng, trong những năm tới, nhu cầu điện tại khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 4%. Trong số đó, những nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời, năng lượng sinh học và địa nhiệt hiện tại, dự kiến sẽ đáp ứng được hơn 1/3 nhu cầu về năng lượng tăng trưởng trong khu vực vào năm 2035.
Tuy nhiên, theo báo cáo, vẫn chưa đủ để kiểm soát được lượng khí thải carbon dioxide (CO2) liên quan đến năng lượng của khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ tăng 35% từ nay cho đến giữa thế kỷ.
Giám đốc điều hành của IEA Fatih Birol cho biết: " Các công nghệ năng lượng sạch không phát triển đủ nhanh, đồng thời việc tiếp tục phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch đang khiến cho các quốc gia phải đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai ".
Ngoài ra, theo báo cáo của IEA, toàn bộ khu vực Đông Nam Á chỉ thu hút được 2% đầu tư năng lượng sạch toàn cầu, dù chiếm tới 6% GDP toàn cầu, 5% nhu cầu năng lượng toàn cầu và đồng thời đây là nơi sinh sống của 9% dân số thế giới.
Vì vậy, theo IEA, để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu vào 2035, khu vực Đông Nam Á cần đầu tư đến 190 tỷ USD, tức là gấp 5 lần mức hiện tại. Trong đó, riêng việc tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như lưới điện để hỗ trợ cho việc kết nối và truyền tải năng lượng tái tạo cũng đòi hỏi mức đầu tư hàng năng là khoảng 30 tỷ USD, gấp đôi so với hiện tại.
Trên thực tế, để đảo ngược xu hướng này, theo các chuyên gia, cần có một nỗ lực lớn để phù hợp với các mục tiêu của hội nghị COP28 về biến đổi khí hậu và các mục tiêu quốc gia của khu vực. Hiện nay, đã có 8 trong 10 thành viên của khu vực ASEAN tuyên bố cam kết Net Zero.
Báo cáo của IEA chỉ ra rằng, chuyển đổi năng lượng sạch đã mang lại lợi ích cho khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, kể từ năm 2019 đến nay, đã có hơn 85.000 việc làm được tạo ra và tiềm năng mở rộng công nghệ năng lượng sạch, chế biến khoáng sản quan trọng trong khu vực.
Đáng chú ý, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia là những nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời lớn, chỉ sau Trung Quốc.
Theo báo cáo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), tính đến năm 2023, Việt Nam ghi nhận 17 GW công suất điện mặt trời lắp đặt. Việt Nam dẫn đầu các quốc gia ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tiềm năng về năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng điện mặt trời ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Theo Báo cáo Năng lượng tái tạo năm 2024" mới công bố của IEA, các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến đáp ứng gần một nửa tổng nhu cầu điện vào năm 2030. Cụ thể, thế giới dự kiến bổ sung hơn 5.500 gigawatt công suất điện tái tạo đến cuối thập kỷ này, tức là gần gấp 3 lần mức tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2023.
Việt Nam sẽ là quốc gia có hiệu suất tăng trưởng kinh tế tốt nhất ASEAN
Năng lượng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế một cách bền vững. Theo nhà kinh tế trưởng của AMRO Hoe Ee Khor, kinh tế của các nước ASEAN+3 là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 4,1%, trong khi các quốc gia ASEAN được dự đoán sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2024. Đà tăng trưởng của khu vực ASEAN sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi liên tục của ngoại thương cũng như khả năng phục hồi của nhu cầu trong nước và du lịch phát triển mạnh do chính sách thị thực được nới lỏng ở một số quốc gia.
Theo nhà kinh tế này, Việt Nam sẽ là quốc gia có hiệu suất tăng trưởng tốt nhất trong số các quốc gia ASEAN và ASEAN+3 vào năm 2024, với mức dự báo đạt 6,2%, tiếp sau đó là Philippines và Campuchia, với dự báo lần lượt là 6,1% và 5,6%.
Indonesia được dự báo là sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 5,1%. Trong khi đó, tiếp sau là các nước như Trung Quốc (5%), Malaysia (4,7%), Lào (4,5%), Brunei Darussalam (4%), Trung Quốc (3,3%), Thái Lan (2,8%), Hàn Quốc (2,5%), Singapore (2,4%), Myanmar (1,8%) và Nhật Bản (0,5%).
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng từ 346 tỷ USD (xếp thứ 37 trên thế giới năm 2020) lên 433 tỷ USD, xếp thứ 34 thế giới năm 2023. Như vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm ở nhóm những quốc gia tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
Bài tham khảo nguồn: Reuters, IEA, IRENA