Các ước tính mới từ NASA cho thấy mức độ ô nhiễm tầng ozone trong tháng 5 và 6 năm 2020 giảm 2%, phần lớn nhờ do giảm khí thải tại khu vực Châu Á và Mỹ.
Con số này nghe có vẻ không nhiều, nhưng các chuyên gia cho biết mức độ giảm thiểu này đáng nhẽ ra có thể mất ít nhất 15 năm để đạt được, trong điều kiện các chính sách giảm thải đưa ra bởi hội đồng đa chính phủ về Biến đổi Khí hậu được áp dụng một cách gay gắt nhất.
“Tôi thấy bất ngờ trước tác động về môi trường đến từ đại dịch này”, theo Jessica Neu, nghiên cứu viên về thành phần khí quyển tại phòng thí nghiệm tên lửa đẩy của NASA.
Ozone trong khí quyển ở các tầng cao giúp che chắn hành tinh của chúng ta khỏi những bức xạ nguy hiểm từ mặt trời. Nhưng ở các tầng thấp hơn, ozone có thể gây khó chịu về hô hấp và tăng tỉ lệ tử vong do bệnh về tim mạch và hô hấp. Ozone không phải là một chất thải đến trực tiếp từ con người. O3 được tạo ra khi ánh sáng tương tác với các phân tử nito-oxit (NOx) được xả thải từ các phương tiện giao thông, nhà máy, nhà máy điện, lò luyện kim.
Tuy nhiên mối quan hệ giữa nito-oxit và ozone ở độ cao thấp là một điều khó dự đoán. Các phản ứng còn phụ thuộc nhiều vào tương tác với thời tiết và các chất khí thải khác có trong không khí. Trong một số trường hợp, việc giảm NOx lại gây gia tăng lượng ozone. Ví dụ, khi Trung Quốc giảm khí thải bụi mịn một vài năm trước, điều này gây gia tăng lượng ozone một cách bất ngờ.
NASA phát hiện cách ly - giãn cách xã hội giúp giảm ô nhiễm khí quyển.
Các nhà khoa học nhận ra chiến dịch giãn cách xã hội trong năm vừa qua là một tình huống cơ hội để quan sát điều gì sẽ xảy ra với bầu khí quyển nếu như hoạt động của loài người và lượng chất thải sinh ra từ các hoạt động đó giảm mạnh. Nhờ vào kiến thức có được mà ta có thể đưa ra các giải pháp môi trường hiệu quả hơn.
Bằng cách nhập dữ liệu từ nhiều vệ tinh trong năm 2020 vào 4 mô hình dự đoán phản ứng khí quyển, các nhà nghiên cứu tại NASA phát hiện lượng khí thải NOx dao động lên xuống với cường độ có liên quan tới các sự kiện cách ly. Trong tháng 4 và 5, tượng khí thải toàn cầu giảm ít nhất 15%.
Các nước có chính sách cách ly gắt gao nhất rõ ràng có lượng giảm thải cao nhất. Ví dụ, ở Trung Quốc, lệnh cách ly ban hành từ đầu năm đã giúp quốc gia này giảm tới 50% lượng khí thải. Ở các khu vực áp dụng chính sách cách ly sau đó như Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Tây Á , lượng khí thải NOx giảm khoảng 18% đến 25% trong tháng bốn và năm.
Tác động tới bầu khí quyển xảy ra trên diện rộng và nhanh chóng đến bất ngờ. Sau cách ly, dữ liệu cho thấy sự giảm thiểu ozone mạnh mẽ toàn cầu, thanh lọc không khí ở độ cao lên đến 10km.
Tại tầng đối lưu, ozone không chỉ làm giảm chất lượng không khí mà còn đóng vai trò giữ nhiệt và gia tăng sự nóng lên của Trái Đất. Các nhà khoa học cho rằng đại dịch năm rồi đã đem lại nhiều lợi ích cho chất lượng không khí cũng như quá trình biến đổi khí hậu.
Trong thời kì khủng hoảng về khí hậu hiện nay khi mà sự ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết, chúng ta cần hiểu rõ tác động của khí thải tới bầu khí quyển. Theo báo cáo từ WHO, ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm. Đây được coi là một đại dịch “thầm lặng”, thậm chí còn đem lại nhiều thương vong hơn cả chiến tranh hay bệnh tật khác.
Trong tháng 3 năm vừa qua, các số liệu từ Trung Quốc cho thấy chỉ nhờ hai tháng cách ly, hơn 4.000 trẻ em và 73.000 người lớn đã thoát khỏi nguy cơ bệnh tật từ ô nhiễm môi trường. Tại thời điểm đó, con số này vượt cao hơn số người tử vong vì COVID-19.
Đại dịch vừa qua đã cho chúng ta thấy cách mà con người có thể nhanh chóng phục hồi bầu khí quyển cũng như chất lượng sức khỏe cho chính mình. Tuy nhiên, nếu không duy trì các biện pháp như vừa rồi, những lợi ích có lẽ cũng không đáng là bao. Và khi thế giới mở cửa trở lại, lượng ozone chắc chắn sẽ tăng lên tỉ lệ thuận với lượng gia tăng khí thải.