ICC hành động khiến ông Netanyahu giận dữ: EU thừa nhận có thể phải "vây bắt" Thủ tướng Israel

Duy Anh |

Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hôm 20/5 đã yêu cầu lệnh bắt giữ các lãnh đạo Israel và Hamas.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Công tố viên ICC xin lệnh bắt lãnh đạo Israel và Hamas

Hãng tin Reuters (Anh) cho biết, Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hôm 20/5 đã yêu cầu lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và 3 thủ lĩnh Hamas vì cáo buộc tội ác chiến tranh.

Công tố viên trưởng ICC ông Karim Khan cho biết trong một tuyên bố được đưa ra sau hơn 7 tháng xung đột ở Gaza rằng ông có cơ sở hợp lý để kết luận rằng 5 người này "phải chịu trách nhiệm hình sự" về cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Ông Karim Khan cho biết, ông đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng như ông Netanyahu do 2 lãnh đạo này đã giám sát cuộc tấn công của Israel chống lại Hamas ở Gaza kể từ sự kiện ngày 7/10/2023.

h_27.RTSGPQDK1-e1683150261771.webp

Ông Karim Khan

Hội đồng các thẩm phán của ICC trước khi xét xử sẽ xác định xem liệu bằng chứng thu thập được có hỗ trợ cho lệnh bắt giữ hay không. Cuộc điều tra về cuộc chiến ở Gaza đã bị Mỹ và Israel phản đối.

Các nhà lãnh đạo Israel và Hamas đã bác bỏ cáo buộc và chỉ trích quyết định của ông Karim Khan. Thủ tướng Israel Netanyahu đã phản ứng giận dữ trước cáo buộc.

"Tôi phản đối kịch liệt sự so sánh của công tố viên ở Hague giữa Israel và Hamas," Thủ tướng Israel Netanyahu nói và gọi hành động này là "hoàn toàn bóp méo thực tế".

Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi bước đi pháp lý này là "thái quá", trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng cáo buộc có thể gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán về thỏa thuận con tin và lệnh ngừng bắn.

Các quan chức cấp cao của Hamas cho biết, quyết định của công tố viên trưởng ICC "đánh đồng nạn nhân với thủ phạm". Hamas yêu cầu hủy bỏ lệnh bắt giữ các thủ lĩnh của tổ chức này.

Bước ngoặt trong lịch sử của ICC

ICC là Tòa án thường trực về tội phạm chiến tranh quốc tế đầu tiên trên thế giới. 124 quốc gia thành viên có nghĩa vụ bắt giữa ngay người bị truy nã nếu người này ở trên lãnh thổ của quốc gia thành viên. Israel và Mỹ không phải là nước thành viên của ICC.

Reuters nhận định, nếu lệnh bắt giữ được ban hành đối với các nhà lãnh đạo Israel thì các thành viên của ICC bao gồm gần như tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể bị đặt vào tình thế khó khăn về mặt ngoại giao.

Công tố viên tội phạm chiến tranh Reed Brody cho biết: "Đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử công lý quốc tế. ICC chưa bao giờ truy tố một quan chức phương Tây, trong 21 năm tồn tại của mình."

664c06152030274ba943b733.jpg

Ông Josep Borell. Ảnh: Getty

Theo cơ quan y tế của Gaza, có ít nhất 35.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Gaza và các cơ quan viện trợ cũng cảnh báo về nạn đói lan rộng cũng như tình trạng thiếu nhiên liệu và vật tư y tế trầm trọng ở khu vực này.

Thống kê của Israel cho thấy, khoảng 1.200 người đã thiệt mạng và 250 người bị bắt làm con tin trong vụ tấn công bất ngờ của Hamas hôm 7/10/2023.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết tất cả các quốc gia thành viên EU sẽ bị buộc phải tuân thủ về mặt pháp lý nếu ICC ban hành lệnh bắt giữ các lãnh đạo hàng đầu của Israel vì cáo buộc tội ác chiến tranh ở Gaza.

Ông Borrell thừa nhận trong một bài đăng trên mạng xã hội X rằng: "Nhiệm vụ của ICC với tư cách là một tổ chức quốc tế độc lập, là truy tố những tội ác nghiêm trọng nhất theo luật pháp quốc tế," ông Borrell viết và nhấn mạnh rằng: "Tất cả các quốc gia đã phê chuẩn các quy chế của ICC đều có nghĩa vụ thi hành cách quyết định của Tòa án."

Mặc dù công tố viên trưởng ICC đã yêu cầu lệnh bắt giữ, nhưng có thể phải mất nhiều tháng cho tới khi hội đồng thẩm phán quyết định có ban hành lệnh bắt giữ hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại