Ảnh minh họa: Bộ Quốc phòng Nga
Tên lửa hạt nhân mạnh nhất thế giới
R-36 có thể phá hủy các tên lửa LGM-30 Minuteman III của Mỹ thậm chí trước cả khi chúng rời hầm chứa. Qua thời gian, nhiều mẫu thiết kế mới ra đời ngày càng được cải thiện năng lực hạt nhân.
Ở phiên bản cuối cùng, tên lửa này có sức mạnh lớn hơn bất kỳ vũ khí nào trong kho vũ khí của Mỹ. Từ khi sự tồn tại của tên lửa này được biết tới, NATO đã gọi nó bằng biệt danh: tên lửa "Satan".
R-36 là một dòng tên lửa. Phiên bản gốc của tên lửa này, được NATO gọi là SS-9, là tên lửa đạn liên lục địa thứ hai của Liên Xô. Thiết kế năm 1966 của R-36 cho phép nó nhắm bắn vào không gian và hoạt động ở quỹ đạo quanh Trái Đất trong một quãng thời gian không xác định.
Sự phát triển của dòng tên lửa trên đã dẫn đến Điều IV trong Hiệp ước Không gian năm 1967, theo đó cấm các tên lửa hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt hoạt động trong quỹ đạo Trái Đất.
Mặc dù Hiệp ước Không gian đã làm giảm mối lo ngại về tên lửa R-36 nhưng phiên bản thứ hai loại vũ khí này của Liên Xô cũng không khiến các đối thủ bớt lo ngại hơn là bao.
Trong khi mẫu đầu tiên chỉ được trang bị 1 đầu đạn hạt nhân 20 megaton thì R-36M - mẫu thứ hai, được trang bị nhiều phương tiện hồi quyển (thực chất là các đầu đạn hạt nhân) có thể tấn công nhiều hơn 1 mục tiêu trong 1 vụ phóng.
Vào giữa những năm 1970, bộ phận chiến đấu đa đầu đạn phân hướng (MIRV) trở thành tiêu chuẩn cho các ICBM. MIRV có thể tấn công được nhiều mục tiêu cùng lúc và tăng cường hỏa lực cho lần tấn công đầu tiên.
Học thuyết quân sự nói rằng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, cả hai bên đều sẽ bị phá hủy nếu sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả lẫn nhau. Nếu chiến tranh hạt nhân bùng nổ, cả hai bên sẽ phóng tất cả tên lửa mà họ sở hữu.
Công nghệ MIRV giúp nhắm vào nhiều mục tiêu hơn và làm tăng lợi thế trong cuộc tấn công đầu tiên trong việc xóa sổ đối phương trước khi đối phương có thể đáp trả.
Mỹ lần đầu tiên phát triển các tên lửa dựa trên công nghệ MIRV là tên lửa Minuteman III có thể mang 3 đầu đạn vào năm 1968 nhưng SS-18 Satan của Liên Xô có thể mang tới 8 - 10 đầu đạn mạnh hơn, với sức công phá có thể phá hủy các tên lửa của Mỹ kể cả khi chúng vẫn được bảo vệ trong hầm chứa.
Khi Satan được trang bị đầy đủ khả năng vận hành vào năm 1975, Mỹ lo ngại nước này không thể tồn tại qua cuộc tấn công đầu tiên của Liên Xô và bắt đầu phát triển các tên lửa với khả năng mang nhiều đầu đạn hơn.
Phiên bản sau mạnh hơn phiên bản trước
Tại Liên Xô, các kỹ sư và nhà khoa học lúc bấy giờ vẫn tiếp tục thực hiện những điều chỉnh đối với các ICBM Satan. Khi Liên Xô tan rã, họ đã phát triển được 6 phiên bản tên lửa khác nhau mà phiên bản sau mạnh hơn phiên bản trước. Phiên bản thứ sáu của R-36 có lẽ là vũ khí hạt nhân mạnh nhất từng được Liên Xô phát triển.
Cũng vào thời điểm Liên Xô sụp đổ năm 1991, các tên lửa R-36 đã có thể tấn công bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Những tên lửa được trang bị MIRV phóng từ mặt đất như tên lửa Satan đã bị cấm theo thỏa thuận START II giữa Nga và Mỹ nhưng Nga đã rút khỏi thỏa thuận này năm 2002 sau khi chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush rút Mỹ khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 1972, vốn hạn chế số lượng tên lửa phòng thủ mà mỗi quốc gia có thể sở hữu.
Vài tháng 3/2022, Nga vẫn sở hữu 46 tên lửa R-36 với mỗi tên lửa có thể mang 10 đầu đạn, Hiệp hội Kiểm soát Vũ trang cho hay. Trong khi Nga có kế hoạch dỡ bỏ kho tên lửa Satan theo các điều khoản của Hiệp ước New START năm 2012 thì Nga vẫn đang tiếp tục phát triển công nghệ ICBM mới.
Vũ khí mới nhất của Nga là tên lửa RS-28 Sarmat "Satan-2" được trang bị 10 phương tiện hồi quyển với mỗi phương tiện có khả năng xóa sổ một khu vực bằng diện tích bang Texas (Mỹ) hoặc Pháp. Nó cũng được trang bị các phương tiện lượn siêu thanh để ít bị phát hiện bởi các hệ thống cảm biến đặt trong không gian cũng như không hề hấn gì trước hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ./.