Được cho là rất quan trọng để nguyên thủ hai nước trao đổi ý kiến về các vấn đề then chốt nhất trong quan hệ song phương, nhưng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung bên lề Hội nghị G20 tại Nhật Bản vào ngày 29/6 tới có thể khiến dư luận thất vọng tràn trề.
Thiện ý sau cây gậy
Đàm phán thương mại đổ vỡ. Chiến tranh thương mại mở rộng sang lĩnh vực khoa học công nghệ. Trong bối cảnh ấy, nội việc nguyên thủ Mỹ-Trung đồng ý gặp nhau vào ngày 29/6 tới trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản) đã là một chỉ dấu tích cực.
Đặc biệt, càng tới gần thời điểm gặp gỡ, càng có nhiều tín hiệu “bồ câu” phát đi từ phía Mỹ, khiến dư luận le lói hi vọng về khả năng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung “thả neo”, không căng như dây đàn nữa.
Thứ nhất, truyền thông Mỹ đưa tin Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ tham dự cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Mnuchin không chỉ được nhìn nhận như đại diện của phái ôn hòa trong ê kíp kinh tế của ông Trump, mà theo nguồn tin giấu tên từ Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Mnuchin chính là người đã chặn lại quyết định cuối cùng về việc bán xe tăng tiên tiến và vũ khí trang bị cho Đài Loan (Trung Quốc).
Thứ hai, cho dù người Hồng Kông (Trung Quốc) rầm rộ xuống đường phản đối dự luật dẫn độ với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử đặc khu hành chính này, Bộ Ngoại giao và nhiều nghị sỹ Mỹ đã lên tiếng ủng hộ, nhưng ông Trump trước sau vẫn hi vọng Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục cùng nhau giải quyết tốt vấn đề, cho thấy thái độ không muốn can dự.
Thứ ba, khi điều trần trước Quốc hội, ngữ khí của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer thuộc phái cứng rắn cũng lắng dịu. Ông Lighthizer nói: Việc Mỹ-Trung đạt được một số trao đổi thành công phù hợp với lợi ích của hai bên.
Gần đây Mỹ đã phát đi nhiều tín hiệu "bồ câu" tới Trung Quốc. Ảnh: Getty.
Rõ ràng nhất là có nguồn tin tiết lộ trước Hội nghị thượng đỉnh G20, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tạm hoãn bài phát biểu chỉ trích tình hình nhân quyền Trung Quốc. Do đó, tạp chí Times dẫn lời chuyên gia tư vấn quốc tế Kevin Nealer cho rằng khả năng cao nhất của cuộc gặp Trump-Tập là hai bên đạt được thỏa thuận nối lại đàm phán. Chỉ cần như vậy, thượng đỉnh Mỹ-Trung đã có thành quả.
Nhưng thực tế có lạc quan như vậy hay không? Trở lại với đàm phán thương mại Mỹ-Trung, có thể thấy hàng loạt vấn đề vẫn còn “thắt nút”. Mỹ chỉ trích Trung Quốc quay ngoắt trong đàm phán, tuyên bố đàm phán có khôi phục hay không phụ thuộc vào việc Trung Quốc có đồng ý trở lại với các điều khoản đã nhất trí trước đó hay không.
Nhiều cơ quan truyền thông dẫn nguồn thạo tin cho biết Mỹ không chỉ yêu cầu Trung Quốc giải quyết những vấn đề mang tính kết cấu như bản quyền tri thức, điều kiện gia nhập thị trường…, mà còn yêu cầu phải đưa những thay đổi này vào trong luật pháp Trung Quốc.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc cho rằng yêu cầu của Mỹ xâm phạm chủ quyền của nước này, nhiều lần nhấn mạnh bất cứ thỏa thuận nào cũng phải cùng có lợi.
Đáng chú ý, ông Trump từng biểu thị sẽ đưa vấn đề Huawei vào trong đàm phán thương mại với Trung Quốc. Nhưng phía Trung Quốc đã nhiều lần tỏ rõ thái độ rằng việc Mỹ phong tỏa Huawei là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy về kinh tế và công nghệ của nước này. Điều đó cho thấy Mỹ-Trung rất khó đạt được nhận thức chung về vấn đề Huawai.
Đặc biệt, sau Huawei, vào ngày 21/6 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa thêm Viện Công nghệ Máy tính Wuxi Jiangnan, Sugon và ba thực thể khác liên quan đến Sugon vào danh sách các tổ chức đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Trước đó, theo hãng tin Bloomberg, Mỹ còn cân nhắc việc hủy bỏ hợp tác của các công ty công nghệ Mỹ với 5 công ty Trung Quốc, bao gồm Hikvision Digital Technology. “Nút thắt” vốn khó gỡ giờ đây còn có khả năng chặt hơn.
Không chỉ Huawei, mà nhiều công ty công nghệ khác của Trung Quốc như HK Vision cũng đã bị Mỹ liệt vào "danh sách đen". Ảnh: Reuters.
Quân bài lận lưng
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tin rằng cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump lần này rất quan trọng. Bởi nguyên thủ hai nước sẽ trao đổi ý kiến về các vấn đề căn bản trong quan hệ song phương. Phía Trung Quốc hi vọng cuộc gặp sẽ có lợi cho việc thúc đẩy tin tưởng lẫn nhau, hóa giải bất đồng và giải quyết một số vấn đề nổi cộm mà hai nước đang đối mặt.
Trước đó một hôm, Thứ trưởng Thương mại, Phó Đại diện đàm phán thương mại quốc tế của Trung Quốc, ông Vương Thụ Văn cũng đăng đàn phát biểu, cho rằng Trung-Mỹ nên thỏa hiệp trong đàm phán thương mại, chứ không nên chỉ nhấn mạnh tới mong muốn của một bên. Ông Vương hi vọng phía Mỹ sẽ dỡ bỏ các biện pháp đơn phương nhằm vào doanh nghiệp Trung Quốc trên tinh thần tự do thương mại.
Như vậy có thể nói, thiện ý cũng đến từ cả phía Trung Quốc. Chỉ có điều rất ít người tin vào khả năng cuộc gặp Trump-Tập có thể “xoay chuyển càn khôn”. Bởi dư luận Trung Quốc cũng rất cứng rắn.
Trước những hành động mới nhất của phía Mỹ, các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc, gồm tờ Nhân dân nhật báo, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, hãng tin Tân Hoa xã đều phát đi tín hiệu cương quyết.
Quan điểm tựu chung là “chỉ có đối thoại bình đẳng mới có thể thực hiện cùng có lợi, cùng thắng”, “chủ nghĩa đơn phương không có tương lai”, “tiếp tục gây sức ép chỉ phản tác dụng”…
Ngoài ra, mới đây Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố Sách Xanh về tình hình quốc tế và ngoại giao Trung Quốc năm 2019 nói rằng quyền lực quốc tế xuất hiện xu thế lớn là “phương Đông mạnh lên, phương Tây yếu đi”.
Sách Xanh cũng chỉ trích Mỹ lợi dụng thực lực siêu cường để áp đặt chính trị cường quyền, mưu đồ củng cố vị thế bá quyền của mình, dẫn tới cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các nước lớn và trào lưu đi ngược toàn cầu hóa.
Có phân tích cho rằng thái độ cứng rắn của Bắc Kinh có liên quan tới 3 quân bài lận lưng.
Một là “quân bài Nga”. Đầu tháng 6/2019, ông Tập thăm Nga, gặp Tổng thống Vladimir Putin, tuyên bố nâng cấp quan hệ Trung-Nga thành “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới”. Điều đó có thể hiểu quan hệ Trung-Nga đã được nâng lên về chất hoặc Trung-Nga đã bước vào thời kỳ quan hệ “liên minh dưới chuẩn”.
Mối quan hệ Trung-Nga là một trong các quân bài lận lưng của Trung Quốc? Ảnh: RIA.
Hai là “quân bài Triều Tiên”. Tuần trước, ông Tập thăm Triều Tiên cùng bàn thảo tình hình trên bán đảo Triều Tiên với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un. Dường như Bắc Kinh muốn thông qua chuyến thăm này để đóng vai trò điều phối về vấn đề Triều Tiên với mong muốn gia tăng sức nặng trong đàm phán với Mỹ.
Ba là “quân bài phô diễn cơ bắp”. Trong tháng 6/2019, phía Trung Quốc tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở biển Hoa Đông. Hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc bố trí ít nhất 4 máy bay chiến đấu J-10 ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này đang chiếm đóng phi pháp. Hành động kiểu “phô diễn cơ bắp” đó cũng có thể là một cách biểu thị thái độ đối với Mỹ.
Kịch bản tồi tệ nhất
Từ những gì nêu trên có thể thấy nguyên thủ Mỹ-Trung gặp nhau là một tín hiệu tích cực sau khi đàm phán thương mại song phương đổ vỡ, nhưng điều đó không có nghĩa hai bên sẽ sớm đạt được thỏa thuận thương mại.
Về phía Mỹ, hãng tin Reuters dẫn lời quan chức cấp cao ở Washington tiết lộ ông Trump sẽ "thoải mái với bất cứ kết quả nào" từ cuộc gặp với ông Tập.
Về phía Trung Quốc, rạng sáng 25/6, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu, ông Hồ Tích Tiến đã viết trên tài khoản Twitter của mình rằng bầu không khí giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay không tốt. Phía Trung Quốc cần chuẩn bị đầy đủ cho kịch bản đàm phán thất bại và chiến tranh thương mại leo thang.
Liên quan tới viễn cảnh của cuộc gặp Trump-Tập, sách lược gia Donald Straszheim thuộc tập đoàn nghiên cứu chiến lược quốc tế và đầu tư Evercore ISI cho rằng, kịch bản tốt đẹp nhất đối với phía Trung Quốc là Mỹ tạm hoãn áp thuế đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại trong một thời gian và nối lại đàm phán.
Với kịch bản này, Bắc Kinh có thêm thời gian “dễ thở”. Tuy nhiên, đối với ông Trump, đây lại là tình huống tồi tệ nhất bởi nó giảm mạnh tính linh hoạt trong chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ.
Kịch bản trung tính, theo Straszheim, là Mỹ quyết định tạm hoãn áp thuế trừng phạt đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại và cũng không đưa ra thời gian biểu rõ ràng. Straszheim tin rằng đàm phán thương mại Mỹ-Trung được nối lại sẽ giúp ông Trump thêm linh hoạt để xử lý vấn đề.
Tuy nhiên, do việc áp thuế đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại không có thời gian biểu rõ ràng, cho nên, thị trường toàn cầu sẽ phải đối mặt với nhân tố không xác định.
Tồi tệ nhất đối với Trung Quốc là ông Trump không đề cập tới việc áp thuế đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại. Điều đó có nghĩa phía Mỹ có thể giáng cây gậy thuế quan xuống bất cứ lúc nào và kinh tế Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.