Hy vọng kinh tế Trung Quốc phục hồi theo hình chữ V đang “tắt dần”?

Trung Mến |

Kinh tế Trung Quốc gần đây đã phục hồi không đều đặn, sản lượng công nghiệp dù cao nhưng tiêu dùng không tăng mạnh. Chi tiêu của người dân cần phải đủ lớn để kinh tế phục hồi mạnh.

Quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc có dấu hiệu mất đà trong tháng 9/2020. Quá trình này chịu tác động nặng nề bởi doanh số bán nhà và ô tô sụt giảm mạnh, thị trường chứng khoán mất đà tăng trưởng và niềm tin doanh nghiệp đi xuống.

Theo Bloomberg, đây có thể coi như đánh giá mới nhất dựa trên các số liệu công bố gần đây, nó cho thấy đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang chững lại trong tháng 9/2020. Chỉ số kinh tế Trung Quốc bao gồm 8 chỉ số do Bloomberg tính toán đã rơi vào trạng thái suy giảm trong thời gian gần đây. Trước đó, chỉ số đã tăng trưởng trong tháng 8/2020.

Kinh tế Trung Quốc gần đây đã phục hồi không đều đặn, sản lượng công nghiệp dù cao nhưng tiêu dùng không tăng mạnh. Chi tiêu của người dân cần phải đủ lớn để kinh tế phục hồi mạnh.

Trong 3 tuần đầu tháng 9/2020, doanh số bán nhà mới tại 4 thành phố của Trung Quốc chững lại, trái ngược hoàn toàn với xu thế vào tháng 9/2020. Niềm tin doanh nghiệp nhỏ giảm đáng kể sau khi tăng 6 tháng liên tiếp, cùng lúc đó chỉ số kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục cải thiện.

Tốc độ hồi phục công việc kinh doanh tại các doanh nghiệp nhỏ chững lại đáng kể trong tháng 9/2020, theo công bố của ngân hàng Standard Chartered dựa trên khảo sát với khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ mỗi tháng. Chỉ số tăng trưởng của doanh nghiệp chững lại so với 1 tháng trước, chỉ số này hiện đang giảm tháng đầu tiên tính từ tháng 3/2020.

Chuyên gia kinh tế Shen Lan và Ding Shuang nhận xét: “Diễn biến mới nhất cho thấy kinh tế vẫn tiếp tục hồi phục, nhưng hy vọng về khả năng kinh tế phục hồi hình chữ V đang giảm dần”. Số lượng các đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ chững lại đáng kể trong tháng 9/2020, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chững lại.

Vào ngày thứ Tư, các chỉ số PMI của ngành sản xuất dự kiến sẽ cho thấy sản xuất Trung Quốc tháng 9/2020 cải thiện nhẹ còn lĩnh vực phi sản xuất đang chững lại.

Còn theo ngân hàng Standard Chartered, xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ vẫn khá vững, nhóm các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu tăng trưởng tốt hơn các doanh nghiệp chỉ tập trung kinh doanh trong thị trường nội địa.

Tuy nhiên tính trong bình diện toàn cầu, triển vọng thương mại đang tích cực hơn. Xuất khẩu của Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tiên của tháng 9/2020 tăng trưởng 3,6% so với cùng kỳ năm trước và như vậy có tháng đầu tiên tăng trưởng tính từ tháng 3/2020. Khối lượng hàng hóa bán ra hàng ngày của Hàn Quốc, tuy nhiên phác họa nên một bức tranh kém lạc quan hơn. Hàng hóa xuất khẩu hàng ngày của Hàn Quốc giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước bởi số ngày tính trong kỳ gần đây nhất dài hơn cùng kỳ năm trước 20 ngày làm việc.

Xuất khẩu của Hàn Quốc có thể coi như “hàn thử biểu” của thương mại toàn cầu bởi các doanh nghiệp có liên kết trực tiếp với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Goldman Sachs dự báo rằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ tăng giá lên ngưỡng 6,5 nhân dân tệ/USD trong vòng 12 tháng tới, theo đồng trưởng bộ phận nghiên cứu về kinh tế vĩ mô kiêm trưởng bộ phận chiến lược đầu tư cổ phiếu tại Goldman Sachs, ông Timothy Moe.

Theo CNBC, trong phỏng vấn mới đây với báo giới, ông Moe nói: “Sau những xem xét gần đây, chúng tôi dự báo đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ ở ngưỡng từ 6,7 – 6,5 nhân dân tệ trong 12 tháng tới”.

Theo ông Moe, việc đồng nhân dân tệ mạnh lên diễn ra ở thời điểm đồng USD suy yếu sau khi tăng giá mạnh trong vài năm qua. Ông cũng nói thêm rằng các yếu tố từng hỗ trợ cho đồng USD tăng giá ví như sự mạnh lên của kinh tế Mỹ đang mất đi.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá tại cả thị trường trong và ngoài Trung Quốc trong tuần này. Đóng cửa tuần trước, đồng nhân dân tệ giao dịch với đồng USD ở mức 6,8 nhân dân tệ/USD. Số liệu mới nhất cũng cho thấy Cơ quan Thống kê Trung Quốc công bố doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tăng trong tháng 8/2020.

Theo phân tích của Goldman Sachs, sự mạnh lên của đồng nhân dân tệ sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chuyên gia của Goldman Sachs nhấn mạnh: “Có bằng chứng cho thấy sự mạnh lên của đồng tiền thường hỗ trợ cho thị trường chứng khoán”.

Không chỉ vậy, theo quan điểm của chuyên gia Goldman Sachs, đồng nhân dân tệ mạnh thường giúp hướng cho đầu tư vào nội địa nhiều hơn, đầu tư vào nội địa tăng mạnh sẽ hỗ trợ quan trọng cho sự phát triển của kinh tế số, phát triển hạ tầng cũng như số hóa hoạt động tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ.

Gần đây, phía Trung Quốc có khá nhiều động thái mở cửa thị trường nội địa đón các nhà đầu tư nước ngoài.

Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc mở cửa thị trường vốn và đẩy mạnh các biện pháp cải tổ để thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, ông Fang Xinghai.

Theo Bloomberg dẫn tuyên bố của ông tại sự kiện diễn đàn tài chính quốc tế thường niên năm 2020 tổ chức mới đây tại Bắc Kinh, cơ quan quản lý sẽ đẩy mạnh mở rộng phạm vi đầu tư trong chương trình kết nối chứng khoán với Hồng Kông, đồng thời cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua thêm sản phẩm hàng hóa tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại