Giấc mơ giữa cảnh nghèo khó
Vào thế kỷ 15, ở một ngôi làng nhỏ ở gần thành phố Nuremberg của Đức có một gia đình có tới 18 đứa con. Người cha làm nghề thợ rèn, phải cùng vợ lao động rất vất vả mới có thể mua đủ lương thực, nuôi sống chừng ấy những đứa trẻ. Thậm chí có những ngày, ông đã làm việc tới 18 tiếng.
Cậu bé Albrecht Durer dù sống trong cảnh nghèo khó nhưng luôn ước mơ trở thành họa sĩ. (Đây là bức chân dung tự họa của Albrecht năm 13 tuổi.)
Sống trong cảnh ăn bữa nay lo bữa mai như thế, nhưng hai trong số 18 đứa trẻ nói trên là Albert và Albrecht Durer vẫn nuôi một giấc mơ. Chúng đều thích vẽ và mong sẽ có ngày được trở thành họa sĩ. Tuy nhiên, chúng đều hiểu rằng cha của chúng không thể đủ tiền để cho cả 2 cùng ăn học.
Sau rất nhiều lần nói chuyện, cuối cùng 2 cậu bé nghĩ ra một cách. Chúng tung đồng xu để xem ai thắng, ai thua. Người thắng sẽ được đi học, còn kẻ thua thì phải ở nhà giúp bố chăm lo cho các em. Sau khi người kia học xong sẽ trở về giúp bố và giúp người còn lại cũng đi học như mình.
Vào một buổi sáng Chủ nhật, trò tung đồng xu đã giúp cậu em Albrecht Durer trở thành người may mắn được đi học đại học ở Nuremberg.
Trong khi đó, người anh Albert thì đi làm việc ở các khu mỏ nguy hiểm để giúp bố kiếm tiền nuôi các em và nhất là chu cấp cho việc ăn học của Albrecht Durer. Biết gia đình đang nỗ lực vì mình, Albrecht cũng học hành rất chăm chỉ, còn vẽ tranh kiếm tiền để phụ giúp gia đình phần nào.
Và lời thú thực đau xót trong bữa tiệc chào mừng người em
Sau 4 năm, Albrecht đã tốt nghiệp và trở về nhà. Gia đình cậu đã tổ chức một bữa tiệc mừng con trai. Trong bữa tiệc ấy, Albrercht rưng rưng xúc động cảm ơn người anh yêu dấu đã hy sinh trong 4 năm, giúp cậu hoàn thành ước nguyện của mình.
"Và bây giờ, Albert, người anh yêu quý của em, đã đến lúc anh đến Nuremberg để theo đuổi giấc mơ của mình, em sẽ hỗ trợ cho anh", Albrecht nói với anh.
Khi mọi con mắt đều đổ dồn về hướng Albert ngồi và chờ đợi phản ứng từ cậu, tất cả bỗng nín lặng như tờ bởi những giọt nước mắt đang lã chã tuôn rơi trên khuôn mặt tái nhợt của Albert. Cậu vừa lắc đầu, vừa nức nở từ chối: "Không, không…".
Không ai nói gì trong thời khắc ấy, cho đến khi Albert lấy lại sự bình tĩnh và lên tiếng: "Không, em trai, anh không thể tới Nuremberg nữa rồi. Quá muộn rồi. Hãy xem 4 năm làm việc dưới các hầm mỏ đã khiến đôi tay của anh trở nên gớm ghiếc đến thế nào.
Mỗi ngón tay của anh đều bị gãy ít nhất là 1 lần, gần đây tay phải của anh còn bị viêm khớp, nó khiến anh đau đớn, thậm chí việc cầm chiếc cốc để chúc mừng em còn rất khó khăn, chứ đừng nói đến việc cầm cọ vẽ. Không, em trai ạ, với anh mọi việc đã quá muộn rồi".
Bức vẽ của họa sĩ Albercht Durer (1471 – 1528) mang tên “Đôi bàn tay cầu nguyện”, nhanh chóng trở nên nổi tiếng với câu chuyện về nguồn gốc của nó, một minh chứng cho tình cảm và sự hy sinh giữa những người anh em ruột thịt.
Và sau đó, để bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn vô hạn của mình với sự hy sinh to lớn của anh trai, Albrecht đã vẽ lại đôi bàn tay lam lũ đầy các vết sẹo, vết chai của anh trai mình: Hai lòng bàn tay úp vào nhau trong tư thế cầu nguyện, hướng lên trên là những ngón tay mảnh dẻ, mà nếu số phận ưu ái hơn, có thể đã là những ngón tay chỉ biết cầm cây cọ vẽ.
Người em trai Albrecht Durer sau này đã trở thành một họa sĩ nổi tiếng trên thế giới. Ông có nhiều tác phẩm giá trị, và một trong những bức họa được nhiều người biết tới nhất là bức họa "Đôi bàn tay cầu nguyện".
Lời bàn: Những vĩ nhân không tự nhiên sinh ra. Đằng sau mỗi 1 con người thành công là rất nhiều sự hy sinh thầm lặng của những người khác.
Theo Moral Stories