Thỏa thuận mới bao gồm 12 chiến đấu cơ Rafale, 4 tàu khu trục nhỏ và 4 máy bay trực thăng quân sự của Pháp.
Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis thông báo thông tin trên, đồng thời tiết lộ kế hoạch chiêu mộ thêm 15.000 binh sĩ trong 5 năm tới. Thỏa thuận mới cũng bao gồm vũ khí chống tăng, ngư lôi và tên lửa phòng không, nhà lãnh đạo Hy Lạp cho biết thêm.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp thời gian qua leo thang căng thẳng liên quan đến các nguồn khí đốt tự nhiên ở Đông Địa Trung Hải.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tuyên bố kế hoạch củng cố lực lượng vũ trang mới sẽ tạo thành một lá chắn cho quốc gia của ông. Ảnh: Reuters
Hồi tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố triển khai một tàu nghiên cứu để tiến hành hoạt động khảo sát ở vùng biển gần đảo Kastellorizo của Hy Lạp. Đáp lại, Hy Lạp tiến hành các cuộc tập trận hải quân với nhiều nước thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Trước đó, quan hệ Athens-Ankara cũng đã căng thẳng vì nhiều vấn đề khác, trong đó có dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp.
Pháp đang ủng hộ mạnh mẽ Hy Lạp trong mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầu tuần này nhấn mạnh tầm quan trọng của lập trường "rõ ràn và dứt khoát" với Thổ Nhĩ Kỳ vì điều mà ông khẳng định là "những hành vi không thể chấp nhận" của quốc gia này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 12-9 cũng thể hiện "quan ngại sâu sắc" đối với hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải, đồng thời hối thúc các bên tiến hành biện pháp ngoại giao để chấm dứt một cuộc khủng hoảng tiềm tàng liên quan đến các nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên trong khu vực.
"Các nước trong khu vực cần giải quyết mâu thuẫn, bao gồm các vấn đề an ninh, tài nguyên năng lượng và hàng hải, bằng giải pháp ngoại giao và hòa bình" – Ngoại trưởng Pompeo nói.