Theo thông tin được đăng tải trên các trang thông tấn nước này, Hy Lạp đã triển khai hàng trăm cảnh sát đến sông Evros để tăng cường việc kiểm soát khu vực biên giới đang có tranh chấp với Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia trong thời gian qua.
Theo báo cáo, đã có khoảng 300 đến 400 sĩ quan Hy Lạp tới sông Evros ở khu vực biên giới đất liền với Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường lực lượng kiểm soát địa phương. Những sĩ quan này là thành viên thuộc lực lượng cảnh sát chống bạo động, các đơn vị chống tội phạm và lực lượng biên phòng có nhiệm vụ tuần tra chủ yếu ở khu vực Ferres, sông Ardas và Tychero. Đồng thời, cảnh sát Hy Lạp cũng tăng cường các biện pháp kiểm soát bằng các máy quay hiện đại và trang thiết bị này có thể quan sát được độ sâu 12m dưới nước.
Theo kế hoạch, các sĩ quan cảnh sát biên phòng của Hy Lạp sẽ ở được triển khai ở địa điểm này cho đến ngày 6 tháng 7. Tuy nhiên, nhiều khả năng đội ngũ này sẽ vẫn phải ở lại sau thời điểm dự kiến bởi những căng thẳng leo thang nhiều ngày qua ở khu vực.
Trước đó, theo thông tin được đăng tải trên truyền thông Hy Lạp, khoảng 35 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào khu bờ Đông sông Evros. Những binh sĩ này đã lập doanh trại, triển khai đội hình phòng thủ tại vùng đất vốn do Hy lạp kiểm soát. Trong một nỗ lực tạo ra vùng đất tranh chấp ở khu vực Evros, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cần thành lập một Ủy ban kỹ thuật để giải quyết vấn đề này.
Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ trong một tuyên bố gần đây cũng khẳng định mặc dù đã có những cánh báo của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Hy Lạp vẫn tiến hành các hoạt động san lấp vào ngày 13/5. Theo Ankara,việc này là vi phạm biên giới theo cam kết hai nước và các hoạt động vi phạm này đã được nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp bằng các biện pháp “cần thiết”.
Về phía Hy Lạp, Bộ trưởng ngoại giao Dendias cho rằng Athens đã từ chối yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ bởi những gì mà Hy Lạp thực hiện đều nằm trong phạm vi chủ quyền quốc gia của mình và nước này không có nghĩa vụ phải báo cáo với bất kỳ ai về các hoạt động đó. Hy Lạp đã nhiều lần tuyên bố rằng việc xác định biên giới của hai nước khu vực Ẻvros được đánh dấu bởi Hiệp ước Lausanne và Nghị định thư 1926.
Căng thẳng giữa hai nước xung quanh các khu vực tranh chấp leo thang từ khi ông Erdogan, người theo đường lối cứng rắn, nhậm chức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Khi làn sóng người di cư từ Trung Đông đổ về Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vượt biên giới vào Hy Lạp và Liên minh châu Âu (EU) thì quan hệ giữa hai nước ngày càng xuống dốc./.